Người bệnh tiểu đường ăn dưa chua có thể nhận được một số lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, phải cẩn thận để tránh nạp quá nhiều natri vào cơ thể, tránh nguy cơ tăng huyết áp...
Theo Medical News Today, người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể ăn dưa chua như một món ăn nhẹ hoặc một phần trong bữa ăn của họ.
Bởi theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong các loại dưa chua nói chung có chứa ít hơn 2 gam (g) carbohydrate trong khẩu phần 100g. Lượng đường và carbohydrate thấp sẽ giúp ngăn lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng có thể nhận được một số lợi ích sức khỏe khác từ dưa chua như cải thiện nồng độ hemoglobin, từ đó kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn. Làm được điều này là nhờ các axit axetic có mặt trong giấm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Canada và Singapore cho thấy, giấm có trong dưa muối có thể giúp giảm mức A1C trong máu (là lượng đường trung bình trong máu trong khoảng 2 -3 tháng), có lợi để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu khác của Đại học Bang Arizona (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã tìm thấy kết quả tương tự như trên. Theo đó, những người trưởng thành, khỏe mạnh thêm giấm trong bữa ăn, có được kết quả đo lượng đường huyết lúc đói tốt hơn.
Thực phẩm lên men có thể có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như cung cấp chất chống oxy hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ chất chống oxy hóa có thể giúp giảm số lượng gốc tự do, hoặc các phần tử có hại, lưu thông trong cơ thể.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, các loại thực phẩm ngâm chua có hàm lượng natri cao, mọi người phải cẩn thận để tránh nạp quá nhiều natri vào cơ thể và làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
Cụ thể, trong dưa muối chua có hàm lượng natri rất cao, với 808 miligam (mg) trong một khẩu phần 100g.
Một người sống chung với bệnh tiểu đường thường đã có nguy cơ phát triển cao bệnh tim và huyết áp cao, họ chỉ nên ăn dưa muối chua ở mức độ vừa phải để tránh quá nạp quá nhiều natri trong chế độ ăn uống.
Để giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến, người mắc bệnh tiểu đường nên cân nhắc ăn protein, chẳng hạn như thịt gà, chất béo lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu và hạn chế ăn dưa muối chua ngọt.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn dưa chua như là món ăn thêm.
Để an toàn khi ăn dưa muối, tốt nhất nên ăn dưa tự làm để tự kiểm soát lượng muối, lượng đường cho vào dưa muối.
Dưa muối rất dễ gây kích thích tăng tiết dịch acid dạ dày. Điều này làm phát triển hội chứng trào ngược dạ dày. Đây cũng là nguyên nhân dễ làm khởi phát viêm loét dạ dày có sẵn.
Dưa muối tuy có nhiều lợi khuẩn có thể rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng các loại dưa muối, nhất là dưa muối xổi, ngâm dấm nhanh có thể không đảm bảo loại trừ hoàn toàn được các loại vi sinh vật gây bệnh có sẵn trong thực phẩm. Vì vậy có thể làm đường tiêu hóa vốn bị yếu sẵn từ trước sẽ trở nên yếu hơn.
Dưa muối chứa quá nhiều muối, mà sử dụng quá nhiều muối trong chế độ ăn uống có thể làm tăng huyết áp. Trong hầu hết các công thức muối dưa cà luôn cần thêm muối và muối chiếm khoảng 5% hàm lượng. Từ đó làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, tiểu đường và bệnh thận.