Tập đoàn Lộc Trời tố ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng giám đốc có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của Công ty.
Ngày 23/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành công văn số 4902/VPUBND-NC, cho biết đã nhận được công văn của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) về việc "đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng giám đốc CTCP Lộc Trời vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của Công ty".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước đã có ý kiến chuyển công an tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với đề nghị của Lộc Trời.
Trước đó, ngày 24/7/2024, Lộc Trời đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận. Lộc Trời cho biết, ông Thuận “có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm”.
Thông tin gây chú ý mạnh khi Công ty vừa có quyết định miễn nhiệm ông Thuận khỏi vị trí CEO, sau một loạt những lùm xùm về nợ nần, lợi nhuận lao dốc mạnh.
4 NĂM ĐIỀU HÀNH CỦA ÔNG THUẬN
Điểm lại, ông Thuận được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc từ tháng 5/2020. Lúc bấy giờ, việc thay tướng đi cùng với tham vọng lớn của Lộc Trời trong mảng lúa gạo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tham vọng này, Lộc Trời ở trong trạng thái nợ vay cao, doanh thu tăng trưởng nhờ xuất khẩu tốt nhưng lợi nhuận không tăng trưởng tương xứng, thậm chí "cắm đầu" vào năm 2023.
Vào năm này, trong khi xuất khẩu gạo đẩy doanh thu mảng này đạt mức kỷ lục 11.233 tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp Lộc Trời thu về vỏn vẹn 253 tỷ. Tương đương, biên lợi nhuận gộp lúa gạo của Tập đoàn chỉ 2%, thậm chí giảm so với con số 2,9% năm trước.
Biên lợi nhuận của ngành lúa gạo mỏng đã được đại diện LTG thừa nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, LTG phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi đó, Công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao… “ăn mòn” lợi nhuận tạo ra.
Tính đến thời điểm 31/12/2023, nợ vay tài chính của Lộc Trời là 6.308 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay ngắn hạn. Dư nợ này đã tăng thêm 2.462 tỷ đồng trong năm qua, tương ứng tăng 64%.
Sang quý 1/2024, Lộc Trời báo lỗ lỗ hơn 96 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân thua lỗ do một số chi phí tăng cao như nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay, lỗ do tỷ giá hối đoái.
Tình hình kinh doanh kém sắc cũng từng được cổ đông chất vấn tại các kỳ Đại hội, dưới vai trò CEO, ông Thuận luôn nhấn mạnh tầm nhìn của Lộc Trời là dài hạn và vẫn khẳng định tham vọng đạt 1 tỷ USD doanh thu giai đoạn 2024-2025.
Năm 2024, Lộc Trời không đặt kế hoạch doanh thu mà chỉ đưa mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. Trong biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông đề nghị bổ sung mục tiêu doanh thu vào kế hoạch năm và "dự kiến lãi 50 tỷ đồng là rất xót xa".
Đỉnh điểm là lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long, tổng số tiền 472 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng giá trị lúa mua trong vụ Đông Xuân năm nay. Sau đó, công ty đã trả xong các khoản nợ này cho nông dân.
ĐÁNH RƠI MIẾNG BÁNH NGỌT
Bên cạnh cán cân nợ vay cao, dòng tiền thiếu hụt… một câu chuyện buồn khác của Lộc Trời 4 năm qua là đã đánh rơi ‘miếng bánh ngọt’ vào tay doanh nghiệp khác.
Được biết, Lộc Trời có tiền thân là CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang, được thành lập năm 1993, đến nay đã 31 năm. Doanh nghiệp bắt đầu với lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó bén duyên với ngành kinh doanh hạt giống; trồng lúa và tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo; các sản phẩm hữu cơ sinh học...
Lộc Trời và CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG, công ty con của Tập đoàn PAN với tỷ lệ sở hữu 51,25%) từng là đối thủ cạnh tranh nhau trong mảng thị trường nông dược và thuốc bảo vệ thực vật. Những năm trước 2022, mảng thuốc bảo vệ thực vật nguồn thu chính của Lộc Trời, chiếm 60% doanh số, theo sau là mảng giống với 10%.
Một trong những khách hàng lớn của Lộc Trời là Syngenta đã ngừng hợp tác, chuyển sang trở thành nhà đầu tư chiến lược VFG vào tháng 1/2022. Việc "rời đi" của Syngenta lúc bấy giờ dấy ra lo lắng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của Lộc Trời và thực tế điều này đã đúng.
Doanh số mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời năm 2021 ghi nhận 5.120 tỷ đồng nhưng sang đến năm 2022 chỉ đạt 4.403 tỷ và đạt 4.218 tỷ đồng vào năm 2023.
Ngược lại, việc hợp tác giữa Syngenta và VFG cho thấy kết quả kinh doanh tích cực rõ rệt khi lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó, đặc biệt lãi sau thuế năm 2023 thu về đạt kỷ lục, gấp đôi so với trước khi hợp tác.
Sang năm 2024, trong khi Lộc Trời thua lỗ, kết quả kinh doanh quý 1 của VFG tiếp tục khả quan khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 966 tỷ và 79 tỷ đồng, cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, chỉ sau con số kỷ lục đạt được quý 4/2023 trước đó.
Và dù không còn tập trung thuốc bảo vệ thực vật, song lợi nhuận từ mảng này vẫn đang đều đặn “gánh team” cho Lộc Trời, khi hiệu quả kinh doanh lúa gạo rất “nhỏ giọt”.
Trở lại với tình hình hiện nay, trong thư ngỏ của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn mới đây, ông thông báo việc sẽ trực tiếp chỉ đạo và điều hành các hoạt động của Lộc Trời cho đến khi có quyết định bổ nhiệm CEO mới.