Lợi dụng thiên tai dịch bệnh thổi giá hàng hóa có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng (đề xuất)

11/12/2023 13:56

Xin cho tôi hỏi hành vi lợi dụng thiên tai dịch bệnh thổi giá hàng hóa có bị phạt tiền hay không? - Hoàng Phúc (Hải Phòng)

Lợi dụng thiên tai dịch bệnh thổi giá có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng (đề xuất)

Lợi dụng thiên tai dịch bệnh thổi giá hàng hóa có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng (đề xuất) (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Lợi dụng thiên tai dịch bệnh thổi giá hàng hóa có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng (đề xuất)

Cụ thể tại khoản 5 Điều 16 dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá quy định như sau:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Hiện hành, tại Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Như vậy, theo dự thảo mới hành vi lợi dụng thiên tai dịch bệnh thổi giá hàng hóa có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng.

2. Đề xuất xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá

Căn cứ Điều 8 dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá như sau:

- Đối với hành vi không công khai, công khai không đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công khai không đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chậm công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày phải công khai.

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đối với hành vi không báo cáo, chậm báo cáo và báo cáo sai lệch, không đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm báo cáo về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 03 ngày kể từ ngày phải báo cáo.

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo không đầy đủ Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chậm báo cáo về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 05 ngày kể từ ngày phải công khai.

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau 05 ngày hoặc báo cáo sai lệch về Quỹ bình ổn giá.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trích lập, chuyển nộp hoặc hạch toán Quỹ bình ổn giá không đúng quy định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không chuyển nộp hoặc trích lập Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng; Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền đã sử dụng, kết chuyển hoặc hạch toán không đúng Quỹ bình ổn giá;

+ Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do trích lập không đúng hoặc không trích lập Quỹ bình ổn giá và Khoản lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá phát sinh (nếu có);

+ Buộc kết chuyển Quỹ bình ổn giá đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 8 dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá

+ Buộc nộp vào ngân sách toàn bộ số lãi phạt đối với số tiền Quỹ bình ổn giá chậm nộp, hoặc kết chuyển không đúng, hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật về Quỹ bình ổn giá; Tỷ lệ lãi phạt là 0,03%/ngày, tính trên số ngày chậm nộp, hoặc kết chuyển không đúng hoặc số ngày đã sử dụng không đúng mục đích.

Xem thêm dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lợi dụng thiên tai dịch bệnh thổi giá hàng hóa có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng (đề xuất)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO