Kẽm là một khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể. Thiếu kẽm được chứng minh là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục của nam giới. Vậy nam giới cần bổ sung kẽm thế nào cho hiệu quả?
Kẽm là vi chất đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học và cần thiết cho hoạt động hơn 300 enzyme trong cơ thể con người. Kẽm đóng vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản, là khoáng chất quan trọng trong quá trình sinh ra các nội tiết tố tuyến giáp. Ở nam giới, nếu quá trình này bị gián đoạn sẽ dẫn đến giảm lượng kích thích tố sinh dục nam.
Hàm lượng kẽm cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tuyến tiền liệt, sự phát dục, khả năng tình dục của nam giới. Nó cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của hormone sinh dục nam testosteron và góp phần tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormone khác.
Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình sản xuất tinh trùng. Hầu hết các trường hợp giảm lượng tinh trùng và kích thích tố sinh dục nam thấp là do thiếu kẽm. Thiếu hụt kẽm ở nam giới có thể dẫn tới giảm lượng tinh trùng và tần suất tình dục.
Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, kẽm là một nguyên tố vi lượng thiết yếu cần thiết cho nhiều quá trình sinh lý và sự thiếu hụt của nó có liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.
Kẽm đã được chứng minh là duy trì mức testosterone tối ưu, có lợi trong việc ức chế viêm và bảo tồn chức năng nội mô dương vật. Do đó, thúc đẩy chức năng cương dương và hoạt động tình dục của nam giới.
Vì kẽm có liên quan đến nhiều chuyển hóa quan trọng trong cơ thể nên các triệu chứng và hội chứng của thiếu kẽm mức độ nhẹ thường đa dạng và rất thay đổi. Các triệu chứng và hội chứng cơ bản và không đặc trưng bao gồm: suy giảm khả năng miễn dịch, dễ mắc bệnh nhiễm trùng; chậm tăng trưởng; tổn thương da và mắt; khô da, rụng tóc, rối loạn giấc ngủ; chậm phát triển giới tính, giảm khả năng tuyến sinh dục, ít tinh trùng, rối loạn cương dương…
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị, lượng nguyên tố kẽm được hấp thụ hàng ngày là:
Cơ quan này cũng nhấn mạnh, nhu cầu dinh dưỡng kẽm chủ yếu nên được đáp ứng từ thực phẩm chứ không phải bằng cách dùng các chất bổ sung không cần thiết. Không có bằng chứng về các tác động bất lợi của việc tiêu thụ dư thừa kẽm từ thức ăn tự nhiên nên việc bổ sung thông qua chế độ ăn uống là tốt nhất.
Nguồn thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt đỏ , các sản phẩm từ sữa ít béo, hải sản, gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, đậu nành...
So với thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thì sản phẩm từ động vật là nguồn cung cấp kẽm tốt nhất vì khả dụng sinh học của kẽm (phần kẽm được cơ thể giữ lại và sử dụng) cao trong các loại thực phẩm như thịt động vật và hải sản.
Nguyên nhân trong nguồn động vật không có hợp chất ức chế sự hấp thụ kẽm và có sự hiện diện của các acid amin chứa lưu huỳnh giúp cải thiện sự hấp thụ kẽm, như cysteine và methionine.
Có một số thực phẩm giàu kẽm có nguồn gốc thực vật nhưng khả dụng sinh học của chúng thấp hơn do hàm lượng acid phytic (hay phytate) cao, ức chế quá trình hấp thụ kẽm. Do đó, đối với nam giới không ăn thịt hoặc các sản phẩm từ động vật do ăn chay hoặc ăn thuần chay cần lưu ý bổ sung kẽm để có đủ lượng kẽm cần thiết.
Ngoài ra, có thể giảm thiểu tác dụng ức chế của acid phytic đối với sự hấp thụ kẽm bằng các phương pháp chế biến thực phẩm như: ngâm, đun nóng, nảy mầm, lên men và làm nở. Sự hấp thụ kẽm có thể được cải thiện bằng cách sử dụng các sản phẩm như: bánh mì men, bánh mì chua, giá đỗ và các loại đậu ngâm trước.
Dưới đây là hàm lượng kẽm trong một số nguồn thực phẩm động vật hấp thu kẽm tốt như: hàu, thịt bò, thịt cừu, thịt gà, sữa, trứng…