Bằng lăng không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn có tác dụng làm thuốc, cầm máu, giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu.
Bằng lăng là cây thuốc dân gian được nhiều dân tộc ở Đông Nam Á sử dụng. Theo bách khoa toàn thư Baidu, Trung Quốc, thân, hoa, lá và rễ của bằng lăng thường được dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu và giảm đau. Ngoài ra, nó có thể dùng để điều trị bệnh xơ gan, cổ trướng, viêm gan, xuất huyết khác nhau, gãy xương, viêm vú, bệnh chàm và các bệnh khác... Vỏ cây, gỗ và hoa bằng lăng có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, tốt cho kỳ kinh nguyệt, giảm đau, giảm sưng tấy, giải độc.
Bên cạnh đó, vỏ và lá có thể dùng làm thuốc nhuận tràng; hạt có tác dụng gây mê; rễ và lá có chứa tannin và có tác dụng kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu. Trà làm từ lá bằng lăng được người Philippines sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường. Nó được gọi là "insulin thực vật tự nhiên" và có thể dùng bằng đường uống.
Với các lợi ích kể trên, nhiều người dùng hoa, lá bằng lăng làm thực phẩm. Tuy nhiên, bạn không nên "đu trend" làm món ăn từ loài cây này bằng cách hái hoa, lá của chúng ở hai bên đường. Lý do bởi các hàng cây này vốn để làm đẹp cảnh quan đô thị, chưa kể chúng thường nhiễm bụi bẩn từ khói xe, tác động thời tiết, khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi nhặt cánh hoa bằng lăng rơi để làm món ăn như gỏi hoa bằng lăng cũng cần rửa hoa với nước muối loãng hoặc nước sạch, rửa ít nhất ba lần nước trước khi làm món ăn. Còn nếu muốn dùng hoa tươi trên cành để thử làm món ăn, hãy nhờ người quen nhà có trồng cây để có thể cắt cành, tránh ảnh hưởng đến tài sản công.
Hằng Trần