Lừa đảo gần 20 tỷ đồng của một phụ nữ, rồi "rửa tiền" thông qua ví điện tử

22/04/2024 07:20

Từ trình báo của người phụ nữ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị lừa hơn 19,9 tỷ đồng sau khi nhận việc làm qua Telegram, cơ quan điều tra đã làm rõ tổ chức tội phạm chuyên 'rửa tiền' tinh vi.

Mất gần 20 tỷ vì xin làm việc online

TAND TP Hà Nội đang thụ lý hồ sơ, dự kiến sớm tái xét xử bị cáo Mạc Bình Hưng (SN 1991, ở tỉnh Bình Thuận) cùng 12 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Cùng vụ án, bị cáo Phan Văn Minh (SN 1978, ở TP HCM) và 6 người khác bị cáo buộc phạm tội "Rửa tiền", theo khoản 3, Điều 324.

Hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 8/2022, chị Nguyễn Thị L. (SN 1985, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) thấy trong hội nhóm của Facebook có bài đăng tuyển kế toán nhập số liệu cho "Công ty kế toán Anpha" nên nhắn tin liên hệ. Chị được hướng dẫn kết nối với tài khoản Telegram tên "Nguyễn Thị Niên".

Theo hồ sơ, Niên giới thiệu là nhân viên tuyển dụng của hệ thống nhà thuốc Phamarcity, cho chị L. xem thẻ nhân viên công ty và hướng dẫn truy cập vào một đường link, đăng ký tài khoản bằng số điện thoại và cấp ID để làm nhiệm vụ. Niên cho hay công việc chính của chị L. là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc bị nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa.

Quá trình làm việc, chị L. được một đối tượng khác sử dụng tài khoản Telegram tên “Thư Ký Yến Phamarcity” liên hệ cho biết, công ty có 1 kỳ làm nhiệm vụ đơn hàng và chỉ có 3 phút hoàn thành để nhận hoa hồng. Mỗi kỳ làm nhiệm vụ, “Thư Ký Yến Phamarcity” hướng dẫn chị L. nạp tiền trước vào tài khoản trên Website đã đăng ký.

Trong hai lần đầu, chị L. nạp hơn 3,1 triệu đồng tiền thực hiện đơn hàng, chị lập tức nhận lại (gốc, lãi) hơn 4,5 triệu đồng.

Ở lần tiếp theo, đối tượng yêu cầu chị L. chuyển 30 triệu đồng đến tài khoản do đối tượng cung cấp, nhưng chị không thể rút tiền ra. Đối tượng đưa nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chị L. tiếp tục chuyển tiền mới rút được số đã chuyển.

Không nghi ngờ, từ ngày 25 - 30/8/2022, chị L. đã 24 lần chuyển hơn 19,9 tỷ đồng đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, song vẫn không rút được. Biết bị lừa, chị Nguyễn Thị L. đến Công an TP Hà Nội trình báo.

Nhóm bị cáo tại phiên sơ thẩm diễn ra hôm 17/4, song tạm hoãn.

Nhóm bị cáo tại phiên sơ thẩm diễn ra hôm 17/4, song tạm hoãn.

Chủ doanh nghiệp kinh doanh ngoại tệ tham gia đường dây "rửa tiền"

Vào cuộc điều tra, công an phát hiện các tài khoản ngân hàng mà chị L. được chỉ định chuyển tiền đến do Bộ phận 777pay thuộc Công ty Jibian (có trụ sở tại Campuchia) quản lý. Đây là doanh nghiệp do tổ chức tội phạm lừa đảo hoạt động về lĩnh vực "rửa tiền".

Công ty Jinbian chia làm 8 bộ phận và "rửa tiền" cho nhiều nguồn tiền bất hợp pháp ở nhiều quốc gia.

Riêng bộ phận 777pay phụ trách thị trường Việt Nam, chuyên rửa tiền bất hợp pháp từ các app đánh bạc trên mạng, tiền do lừa đảo... bằng phương thức thành lập cổng trung gian thanh toán VNPAY trên trang web https://mem.77777.org để chuyển, nhận tiền nhằm chuyển đổi tiền vi phạm thành tiền "sạch" (tức là không thể truy suất được nguồn gốc).

Theo cơ quan tố tụng, bộ phận 777pay phục trách Việt Nam có 79 người, được chia thành 5 nhóm gồm: Tổ tìm kiếm khách hàng; tổ làm thẻ; tổ nhập khoản; tổ xuất khoản; tổ tài vụ.

Quá trình hoạt động, tổ khách hàng sẽ tìm kiếm người có nhu cầu rửa tiền, đồng thời, thỏa thuận phí giao dịch từ 1 - 3% trên tổng số tiền cần "rửa"; tổ làm thẻ có nhiệm vụ thu thập các tài khoản ngân hàng ở Việt Nam sau đó chuyển đến các tổ khác giao dịch; tổ nhập khoản có nhiệm vụ khi khách có nhu cầu rửa tiền sẽ cung cấp tài khoản ngân hàng cho khách chuyển tiền vào, trong tổ này chia làm 3 nhánh (nhánh 1 sẽ gửi số tài khoản ngân hàng cho các đối tượng lừa đảo để tiếp nhận tiền của bị hại; nhánh 2 sẽ phụ trách thanh toán online trên cổng VNPAY; nhóm 3 nhập tiền qua ứng dụng momo với số tiền nhỏ)...; các tổ còn lại sẽ được cung cấp các tài khoản trên trang chủ VNPAY dùng quản lý việc nạp, rút tiền.

Đối với số tiền hơn 19,9 tỷ đồng của chị Nguyễn Thị L. bị chiếm đoạt, cơ quan tố tụng cáo buộc nhóm nhân viên tổ nhập khoản thuộc Bộ phận 777pay đã hướng dẫn, cung cấp số tài khoản ngân hàng để chị L. giao dịch chuyển tiền vào, rồi lên điểm trên hệ thống. Ngoài ra, có một số giao dịch do hệ thống VNPAY tự động cung cấp tài khoản ngân hàng cho chị L.

Đáng chú ý, mở rộng theo xác minh dòng tiền bị chiếm đoạt, cơ quan điều tra làm rõ Phan Văn Minh (SN 1978, ở TP HCM - thành lập Công ty TNHH Minh Phúc và kinh doanh mua bán ngoại tệ). Từ năm 2020, Minh bắt đầu nhận “rửa tiền” bằng hình thức nhận tiền qua tài khoản rồi cho nhân viên đi rút tiền mặt giao cho khách, hoặc chuyển đến các tài khoản ngân hàng do khách chỉ định.

Để hoạt động, Minh thuê đồng phạm mở các tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chuyển tiền và rút tiền; thuê người làm kế toán và quản lý các tài khoản ngân hàng và chuyển tiền online.

Trong vụ án này, Minh đã nhận "rửa" hơn 10 tỷ đồng là số tiền của Bộ phận 777pay chuyển đến. Hành vi của Minh và đồng phạm đã phạm vào tội "Rửa tiền".

Về trách nhiệm dân sự, gia đoạn điều tra vụ án, chị Nguyễn Thị L. đề nghị cơ quan tố tụng buộc các đối tượng phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt, đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lừa đảo gần 20 tỷ đồng của một phụ nữ, rồi "rửa tiền" thông qua ví điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO