Khu chợ này phục vụ công nhân khu công nghiệp là chính mà hai năm nay công nhân ít việc, cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm nên các tiểu thương ở chợ cũng chết đói”.
Đó là chia sẻ của chị Mai, tiểu thương bán hàng quần áo tại chợ Mun, thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) về tình hình buôn bán, kinh doanh ế ẩm những tháng vừa qua.
Chị Mai cho hay, bản thân chị bán quần áo ở khu chợ này đã được hơn 10 năm. Những năm trước, doanh thu một ngày được vài triệu đồng, lãi từ 400-500 nghìn đồng/ngày là bình thường. Nhưng hiện tại, kể cả cuối tuần chợ cũng vắng hoe, có ngày từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối chị bán được đúng một chiếc quần 120 nghìn đồng cả vốn lẫn lời.
“Khu này dân sống chủ yếu là nhờ xây nhà trọ cho công nhân ở. Các hàng quán, chợ cóc và các dịch vụ cũng chủ yếu phục vụ công nhân nhưng thời gian gần đây công nhân ít việc, trả phòng về quê, nhà trọ thừa phòng, các quán ăn thi nhau chuyển nhượng, tiểu thương ở chợ cũng chết đói”, chị Mai thở dài
Quá vắng khách, nhiều gian hàng còn đóng cửa im lìm, nghỉ bán.
Chi phí sinh hoạt ở Hà Nội ngày càng đắt đỏ nhưng thu nhập lại giảm khiến nhiều công nhân phải cắt giảm chi tiêu một cách tối đa, ngay cả nhu cầu ăn, mặc và ở cũng phải cân đong sao cho hợp lý.
Vợ chồng anh Trọng quê ở Lai Châu, anh làm công nhân cơ khí cho một doanh nghiệp chuyên về biển bảng quảng cáo, vợ làm công nhân cho một công ty gia công sắt thép với tổng thu nhập của cả hai người được khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ Tết đến giờ, tại công ty anh Trọng, công nhân hầu như không có việc làm.
“Hàng loạt biển quảng cáo của công ty không có người thuê, công nhân không có việc làm. Để duy trì, mọi người nhận các công việc khác như sửa sang nhà cửa, công trình dân dụng qua ngày, mỗi tháng chỉ được vài công, mong qua giai đoạn khó khăn này”, anh Trọng nói.
Bình thường, ngày 20 hàng tháng công ty của vợ anh Trọng cũng sẽ trả lương của tháng trước, nhưng đến hiện tại, đã quá hơn 20 ngày vợ anh vẫn chưa nhận được đồng nào.
“Thu nhập của vợ tôi tháng nào cao thì được khoảng 12 triệu đồng, còn lại trung bình được 8 triệu đồng/tháng. Tháng này mưa suốt, công ty tôi không có việc làm, chỉ trông chờ vào tiền lương của vợ nhưng bên đó cũng chậm lương, cứ vay chỗ nọ đập chỗ kia, khổ lắm”, anh Trọng thở dài.
Thu nhập giảm sút nhiều tháng liền nhưng hàng tháng, anh Trọng vẫn phải gửi về quê 5 triệu đồng để lo tiền ăn học và sinh hoạt cho hai đứa con và bố mẹ đã già yếu. Tiền nhà trọ và điện nước mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng.
Công nhân phải tiết kiệm chi tiêu tối đa để có tiền sinh hoạt và gửi về quê nuôi gia đình.
“Tiền thuê nhà thì không tiết kiệm được rồi. Vợ chồng tôi phải tiết kiệm từ thứ nhỏ nhất như nóng cũng cố chịu không bật điều hoà sợ tốn tiền điện, nước cũng tiết kiệm nhất có thể để đỡ tốn tiền nước. Ăn uống đơn giản và hầu như không ăn hàng quán hay tụ tập bạn bè, cả năm hầu như không mua quần áo mới”, anh Trọng cho hay.
Theo anh Trọng, kinh tế ngày càng khó khăn nhưng chi tiêu sinh hoạt chỉ tăng không có giảm. Cân thịt lợn trước đây chỉ 100-120 nghìn đồng nhưng bây giờ tăng lên 140-150 nghìn đồng, gói mì tôm cũng 3-4 nghìn đồng, dầu ăn hay gạo, muối đều tăng giá. Nếu không biết “thắt lưng buộc bụng” thì không thể để ra được đồng nào để lo cho con.
Kinh doanh nhà trọ từ khi Khu công nghiệp Quang Minh mới hình thành, ông Đức, trú tại thị trấn Chi Đông (Mê Linh, Hà Nội), chủ khu nhà trọ với 35 phòng cho biết, hiện tại khoảng 30% số phòng không có người thuê.
Nhiều chủ nhà trọ cũng giảm tiền phòng nhằm hỗ trợ công nhân.
“Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt lên do giá cả leo thang, công nhân phải đối mặt với tình trạng ít việc, không có việc làm thêm hay tăng ca, thu nhập bị giảm. Có đứa chỉ được 4-6 triệu đồng/tháng, làm sao đủ chi tiêu ở Hà Nội”, ông Đức nói.
Nắm bắt được khó khăn của công nhân, ông Đức chủ động giảm 20% tiền thuê phòng. Phòng 1,2 triệu đồng/tháng thì giảm xuống còn 1 triệu đồng/tháng; phòng 1 triệu đồng/tháng thì giảm xuống còn 800 nghìn đồng/tháng.
“Ấy vậy mà họ vẫn không ở nổi, nhiều trường hợp chỉ đến ở vài tháng đã phải bỏ về quê vì không chịu được nhiệt. Những người ở lại thì chi tiêu rất tiết kiệm, không dám dùng điều hoà. Ai ở xa thì một năm về quê 1-2 lần vào dịp lễ tết là cùng, vì về nhiều quá thì làm gì còn tiền”, ông Đức kể.