Lưu ý khi điều trị viêm tai giữa cấp cho trẻ

25/10/2022 20:22

Viêm tai giữa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ bị điếc…

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng viêm nhiễm trong khoang tai giữa; là chẩn đoán nhi khoa phổ biến thứ hai trong khoa cấp cứu sau nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Mặc dù bệnh viêm tai giữa cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 6 đến 24 tháng, thời gian kéo dài dưới 3 tháng. Khoảng từ 80% đến 90% trẻ em sẽ bị viêm tai giữa có tràn dịch trước tuổi đi học. Tình trạng viêm nhiễm này có thể lan đến xương chũm, các tế bào quanh mê đạo và đỉnh xương đá.

photo-1666675032565

Viêm tai giữa khiến trẻ đau tai, khó chịu, nghe kém…


Viêm tai giữa có thể do virus, vi khuẩn hoặc đồng nhiễm. Thường gặp:

  • Các vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae (NTHi) không định hình và Moraxella catarrhalis.
  • Các virus hợp bào hô hấp (RSV), coronavirus, virus cúm, adenovirus, siêu vi trùng ở người và picornavirus.

Con đường chính gây viêm tai giữa cấp tính là viêm vòm mũi họng, ít khi viêm nhiễm xâm nhập bằng đường máu hoặc đường bạch huyết. Bệnh khởi phát sau đợt cúm, sởi hoặc viêm mũi, viêm xoang, viêm sùi vòm họng, u vòm mũi họng hoặc nút mũi sau để quá lâu. Rách màng nhĩ do chấn thương cũng là một nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp tính.

Yếu tố nguy cơ:Các bất thường về giải phẫu của vòm miệng và căng cơ vòm miệng, thiếu vitamin A, dị ứng, bỏ bú mẹ, hít phải khói thuốc thụ động, môi trường nhà trẻ, tiền sử gia đình gần đây bị viêm tai giữa.

2. Triệu chứng viêm tai giữa

Triệu chứng ban đầu của viêm tai giữa cấp là đau tai nhiều, đau ngày một tăng, đau sâu trong tai, kèm theo sốt thường ở mức độ nhẹ, bị kéo giật tai, nghe kém, khó chịu, nhức đầu, ngủ không yên giấc, biếng ăn, bú kém, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Giai đoạn sau xuất hiện mủ, mủ chảy ra ngoài loãng vàng nhạt sau biến thành vàng đặc, khi đó trẻ giảm đau tai, nhiệt độ trở lại bình thường, ăn ngủ được.

Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, viêm tai giữa có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ: Làm giảm thính lực, chậm nói, chậm phát triển, thủng màng nhĩ, viêm màng não…

3. Lưu ý khi điều trị viêm tai giữa cấp cho trẻ

Thuốc điều trị viêm tai giữa cho trẻ phụ thuộc vào mức độ bệnh và tuổi của trẻ.

3.1. Thuốc kháng sinh

Đầu tay là kháng sinh amoxicillin hoặc amoxicillin/acid clavulanic. Thời gian điều trị 10 ngày đối với trẻ dưới 2 tuổi hoặc với tất cả các trẻ bị thủng màng nhĩ hay gần đây có mắc viêm tai giữa; 5-7 ngày đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Trẻ dị ứng penicillin có thể dùng cephalosporin dạng uống như cefdinir, cefpodoxime, cefuroxime.

Nếu thất bại với 2 phác đồ trên, có thể dùng dạng tiêm truyền như ceftriaxone hoặc levofloxacin là một liệu pháp thay thế.

Trimethoprim-sulfamethoxazol, macrolide (azithromycin, clarithromycin) và lincosamides (clindamycin) không được khuyến cáo cho viêm tai giữa cấp không đáp ứng với điều trị bằng amoxicillin hoặc amoxicillin-acid clavulanic.

photo-1666675034456

Dùng thuốc trị viêm tai giữa cho trẻ cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

3.2. Thuốc hạ sốt, giảm đau

Có thể sử dụng thuốc ibuprofen hoặc acetaminophen (paracetamol). Trường hợp cơn đau dữ dội không kiểm soát được bằng với ibuprofen hoặc acetaminophen đơn thuần, thì kết hợp cả 2 thuốc. Lưu ý dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tăng liều vì có thể gây ngộ độc gan.

Ngoài ra có thể dùng các thuốc tê tại chỗ như lidocaine để giảm đau tai. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã cảnh báo xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ em bao gồm co giật, chấn thương não nghiêm trọng và các vấn đề về tim khi sử dụng quá liều hoặc vô tình nuốt phải. Tránh dùng benzocaine tại chỗ ở trẻ em dưới 2 tuổi vì nguy cơ methemoglobin huyết.

Lưu ý, không nên chườm nóng hoặc lạnh lên tai ngoài, nhỏ dầu ô liu hoặc các chất chiết xuất từ thảo dược vào ống thính giác bên ngoài để điều trị đau ở trẻ em bị viêm tai giữa cấp.

3.3. Thuốc kháng histamin

Với trẻ có kèm viêm mũi dị ứng, có thể dùng thuốc chống sung huyết mũi và thuốc kháng histamin để giảm các triệu chứng tại mũi. Tuy nhiên, cần cân nhắc, vì thuốc có thể gây một số tác dụng phụ. Do đó, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

3.4. Cách dùng thuốc an toàn

Để dùng thuốc điều trị viêm tai giữa cho trẻ an toàn, hiệu quả, cần:

- Không tự ý mua thuốc về dùng cho trẻ.

Không được nhỏ oxy già vào tai trẻ, vì oxy già có thể làm bong lớp bảo vệ da ống tai và làm chậm lành tổn thương, gây ảnh ưởng đến sức nghe.

- Không rắc bột kháng sinh vào tai trẻ, vì sẽ làm ứ đọng dịch viêm, gây viêm xương chũm, thậm chí gây biến chứng nội sọ...

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Không tự ý tăng liều dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Thông báo ngay cho bác sĩ khi có bất cứ triệu chứng bất thường ở trẻ: Phát ban, buồn nôn, nôn…

 DS. Hoàng Vân

(Bệnh viện Trung ương Huế)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lưu ý khi điều trị viêm tai giữa cấp cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO