Thay vì tập trung vào các dự án sản xuất hàng hóa xuất khẩu, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đang tập trung vào thị trường trong nước.
Vốn FDI đang hướng vào thị trường 100 triệu dân
Theo ông Hoàng Xuân Trung – Trưởng phòng khách hàng Doanh nghiệp , Khối nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam: Trước đây, 68% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam hướng đến thị trường xuất khẩu, nhưng hiện nay, các dự án hướng đến xuất khẩu chỉ còn 50%, còn lại hướng vào thị trường nội địa.
Thực tế thời gian qua, rất nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hướng vào thị trường bán lẻ trong nước để tận dụng thị trường với dân số 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Điển hình trong số đó phải kể đến cái tên như: Matsukiyo, Uniqlo, Aeon Mall, Tokyo Life…
Trong đó, Matsukiyo ký kết hợp đồng liên doanh với Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group) để thành lập công ty liên doanh Matsukiyo Việt Nam, và mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 10/2020. Đến năm 2023, Matsukiyo đã sở hữu gần 10 cửa hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong năm 2024, sẽ có them khoảng 15 cơ sở Matsukiyo được mở mới tại Việt Nam - nằm trong chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế của hãng.
Tương tự AEON Mall cũng có mặt tại Việt Nam từ năm 2014 với trung tâm thương mại đầu tiên là AEON MALL Tân Phú, chỉ sau 10 năm, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản đã nhanh chóng mở rộng quy mô lên 8 đại siêu thị cùng hàng trăm điểm bán nhỏ lẻ… Nhờ chiến lược bắt tay với các doanh nghiệp Việt ở những dự án trì trệ nhiều năm hoặc được bổ sung, thay đổi mục đích quy hoạch ban đầu mà Tập đoàn AEON có được những khu đất phù hợp để xây các trung tâm thương mại…
Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, theo ông Hoàng Xuân Trung, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang có xu hướng “nhắm” vào thị trường nội địa của Việt Nam, điển hình là thương hiệu Lotte và GS25, trong đó Lotte có mặt tại Việt Nam từ năm 2008 và nhanh chóng mở rộng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Còn GS25 khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2018 và đến thời điểm hiện tại cũng đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Tiềm năng của thị trường bán lẻ vẫn rất lớn
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam thời gian qua giữ nhịp độ tích cực nhờ 3 yếu tố cốt lõi, bao gồm: Thứ nhất , vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; Thứ hai , tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực hơn trong năm nay ; Thứ ba , kinh tế vĩ mô ổn định.
Đặc biệt, theo nhận định của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố, các nhà đầu tư hiện hữu đều tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam, đồng thời nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn. Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố, nên có xu hướng nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử đang đến với Việt Nam.
Còn theo đại diện Citibank, Việt Nam có vị trí chiến lược tốt để thu hút FDI, trước đây tiếng Anh vẫn được coi là rào cản khiến Việt Nam giảm sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài . Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại đây đã không còn là trở lại đối với Việt Nam.
Còn về lý do vì sao thời gian gần đây các dự án FDI chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, theo nhận định của ông Hoàng Xuân Trung: “GDP đầu người tăng cao đã khiến Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ tiềm năng để thu hút những nhà đầu tư tập trung vào thị trường nội địa”.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Đặc biệt, GDP năm 2022 của Việt Nam ghi nhận mức tăng cao nhất trong 12 năm qua với mức tăng 8,02% so với năm 2021.
Còn theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 4,32 nghìn USD, tăng hơn 200 USD so với năm 2022 (4,1 nghìn USD), xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN-6. Sang năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 6,6 nghìn USD, tăng gần 300 USD so với 2023, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN-6. Nếu xét trên toàn thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 sẽ ở vị trí 124 trên thế giới.
Nghị quyết 111/NQ-CP 2024 vừa được Chính phủ công bố mới đây về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 11/2023 của Bộ Công Thương, tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng hơn 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Ngành Bán lẻ được kỳ vọng sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.