Lý do Việt Nam thu hút mạnh vốn FDI từ góc nhìn của các nhà đầu tư ngoại

Ánh Dương 18/09/2024 15:30

Hội nghị khu vực Gateway to ASEAN do Ngân hàng UOB tổ chức vừa qua đã trở thành diễn dàn để lãnh đạo các doanh nghiệp FDI cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và những bài học quý giá nhằm tận dụng những lợi thế đặc biệt của Việt Nam trong khu vực ASEAN, qua đó kết nối sâu rộng hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lần thứ 3 tổ chức Hội nghị Gateway to ASEAN, Ngân hàng UOB đã lựa chọn Việt Nam làm quốc gia chủ nhà. Với chủ đề ASEAN – Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới, Hội nghị không chỉ mang tới cho những người quan tâm cái nhìn toàn cảnh về tầm quan trọng của ASEAN – một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới – với kinh tế toàn cầu mà còn nêu bật vai trò của nước chủ nhà Việt Nam như một cửa ngõ quan trọng để các doanh nghiệp tiếp cận khu vực. Kinh nghiệm của những lãnh đạo doanh nghiệp FDI đang thành công ở Việt Nam cũng mang đến nhiều bài học quý giá cho những doanh nghiệp quốc tế đang muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu vực tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới.

Những ưu thế đặc biệt từ nền kinh tế 100 triệu dân

Trong phiên thảo luận chuyên sâu với chủ đề "Phát triển tại ASEAN thông qua Việt Nam", ông Alexandar Ziehe Tổng Giám đốc Viessmann Đông Nam Á và Châu Đại Dương, đã chia sẻ câu chuyện của chính doanh nghiệp mình sau một thời gian gắn bó với Việt Nam. Vị lãnh đạo doanh nghiệp tới từ nước Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế 100 triệu dân với chiến lược kinh doanh của công ty.

"Việt Nam là điểm bắt đầu của chúng tôi và đóng vai trò vô cùng quan trọng với chiến lược sản xuất và kinh doanh của công ty trong khu vực. Và không chỉ Viessmann, nhiều doanh nghiệp Đức cũng như phòng Thương mại và Công nghiệp Đức ở Việt Nam đều đồng quan điểm rằng Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Đức", ông Ziehe nhấn mạnh.

Lý do Việt Nam thu hút mạnh vốn FDI từ góc nhìn của các nhà đầu tư ngoại- Ảnh 1.

Ông Alexandar Ziehe, Tổng Giám đốc Viessmann Đông Nam Á và Châu Đại Dương (bìa phải) có nhiều phát biểu xoay quanh vai trò chiến lược của Việt Nam tại ASEAN

Theo ông Ziehe, Việt Nam đang phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng chất lượng cao với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Samsung. Chính bởi thế, các công ty Đức có thể tận dụng cơ hội đó nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất khi không muốn quá tập trung vào châu Âu hay Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, sự hợp tác với người Đức có thể giúp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu.

Ông Gene King, Giám đốc Đầu tư BW Industrial, cho biết doanh nghiệp này tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp. Theo ông King, vị trí địa lý mang lại cho Việt Nam những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có thể có được. Ngoài ra, quy mô dân số 100 triệu người biến Việt Nam thành thị trường không thể bị bỏ qua.

Theo đó, nhờ nằm sát Trung Quốc với hạ tầng giao thông thuận tiện, các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng lựa chọn Việt Nam khi muốn đa dạng chuỗi cung ứng của mình. Bên cạnh việc vận chuyển hàng hóa, máy móc dễ dàng trong thời gian ngắn, chi phí nhân công cạnh tranh giúp Việt Nam có lợi thế.

Ông Li Fan, Giám đốc Điều hành Warburg Pincus, cho rằng một quốc gia muốn trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài cần có một chính phủ thân thiện với doanh nghiệp, một khung pháp lý rõ ràng và dễ hiểu cũng như có mạng lưới kết nối sâu rộng với các đối tác địa phương.

Ở mức độ thân thiện với doanh nghiệp, các diễn giả đều cho rằng Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt. Việt Nam cũng có hàng loạt những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này giúp cho các doanh nghiệp muốn đầu tư có sẵn mạng lưới kết nối với hàng loạt quốc gia trong khu vực và thế giới mà hiếm quốc gia nào có được.

Một điểm khác được coi là thế mạnh của Việt Nam là đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng. Những gì Việt Nam đang làm có thể gợi nhớ tới Trung Quốc vài thập niên trước khi sẵn sàng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng gấp 3 lần trung bình khu vực.

Lý do Việt Nam thu hút mạnh vốn FDI từ góc nhìn của các nhà đầu tư ngoại- Ảnh 2.

Ông Li Fan, Giám đốc Điều hành Warburg Pincus đánh giá cao các thế mạnh kinh tế thương mại tại Việt Nam

Cầu nối quan trọng để thâm nhập sâu hơn vào ASEAN

Không chỉ mang trong mình những lợi thế hoàn hảo – vốn phù hợp với tiêu chí đầu tư của các doanh nghiệp ASEAN - thị trường Việt Nam còn được xem là tuyến đường cao tốc dẫn vào khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung nhờ số lượng lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA).

"Với các thỏa thuận chung của ASEAN, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường khu vực mà gặp rất ít rào cản. Ngay cả khi nhắm tới những khách hàng ở những thị trường khác như châu Âu, Australia hay Trung Đông, Việt Nam cũng có sẵn các FTA để hàng hóa thông suốt. Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp thấy Việt Nam hấp dẫn và quyết định chọn Việt Nam làm đại bản doanh để vươn ra khu vực và thế giới", ông Ziehe nhận định.

Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI cũng cần phải nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu của chính 100 triệu người dân Việt Nam và hàng trăm triệu khách hàng châu Á khác. Đây là nhóm khách hàng thích ứng nhanh nhưng cũng thay đổi rất nhanh, buộc các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới để bắt kịp.

Bên cạnh các lợi thế của Việt Nam, doanh nghiệp quốc tế cũng cần những sự trợ giúp quan trọng khác khi thâm nhập vào thị trường này, điển hình như sự hỗ trợ của UOB. Với mạng lưới thương mại sâu rộng nhất trong khu vực ASEAN, UOB có vị thế tốt để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với ASEAN và nắm bắt được các cơ hội kinh doanh tại khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng.

Ngay từ 2011, UOB đã thành lập các Trung tâm Tư vấn Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực. Hiện tại UOB đã có 10 trung tâm tư vấn FDI trên khắp khu vực trong đó có Việt Nam.

Trung tâm này cung cấp dịch vụ tư vấn một cửa bao gồm cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường, dịch vụ tư vấn và các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp như các giải pháp tài chính thương mại, cho vay vốn lưu động và quan hệ đối tác chiến lược với chính quyền địa phương để giúp khách hàng điều hướng các yêu cầu, quy định pháp lý một cách hiệu quả.

Trong hơn 10 năm qua, hơn 4.500 công ty đã sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của UOB để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, UOB đã hỗ trợ khoảng 300 công ty các nước mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 5 năm qua. Các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đô la Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam.

"UOB sẵn sàng giúp các doanh nghiệp tự tin vượt thách thức khi đầu tư vào Việt Nam cũng như mở rộng kinh doanh ra khu vực thông qua Việt Nam", lãnh đạo ngân hàng UOB Việt Nam, chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lý do Việt Nam thu hút mạnh vốn FDI từ góc nhìn của các nhà đầu tư ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO