Thời gian gần đây, thị trường ô tô ở Việt Nam chứng kiến sự giảm giá mạnh, từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng/chiếc. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Cụ thể, một số đại lý Toyota đang áp dụng khuyến mại Corolla Altis giảm 50 - 80 triệu đồng. Mẫu xe đô thị hạng A - Toyota Wigo giảm 25 - 30 triệu đồng. Giá ở đại lý là 375 triệu bản số tự động và 315 triệu bản số sàn.
Trong tháng 6/2019, Honda City vẫn được các đại lý ưu ái giảm giá từ 20 - 30 triệu đồng và được tặng kèm theo phụ kiện...
Ford Everest tháng 5 gây sốc khi được điều chỉnh giảm 130 triệu thì sang tháng 6 tiếp tục giảm mạnh đến 140 triệu đồng. Mazda CX-5 hiện có thông tin sẽ duy trì giảm giá tại đại lý từ 50-60 triệu đồng...
Điều đáng nói là các mẫu xe được giảm giá mạnh hầu hết là những mẫu ô tô được lắp ráp trong nước.
Theo công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe lắp ráp trong nước tháng 5 đạt hơn 15.000 chiếc, tăng nhẹ so với tháng trước.
Tuy nhiên, tính tổng lượng bán ra của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 75.000 chiếc, giảm hơn 12.000 chiếc, (gần 14%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số lượng xe ô tô nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài lại đột ngột tăng mạnh. Trong tháng 5 vừa qua, số xe nhập khẩu đạt 12.000 chiếc, tăng 75% so với tháng trước đó. Còn tính chung 5 tháng đầu năm, số xe đã bán ra đạt kỷ lục hơn 51.000 chiếc, tăng hơn 34.000 chiếc, mức tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, nguyên nhân quan trọng nhất của việc giảm giá ô tô tại thị trường Việt Nam trong những tháng vừa qua bắt nguồn từ việc ô tô nhập khẩu về Việt Nam có sức mua tăng vọt, gây sức ép cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Mặc dù thời gian gần đây, giá xe được nhận định là đã giảm "tới đáy", tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì giá ô tô của Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng. Nguyên nhân là do ô tô ở Việt Nam vẫn bị liệt vào danh sách những mặt hàng xa xỉ, chịu nhiều khoản thuế, phí nên khi nhập khẩu về nước, mặt hàng này bị đội giá lên cao.
(Theo Nhịp sống kinh tế)