PLBĐ - Mặc áo ngực hoặc phẫu thuật thẩm mỹ có phải là nguyên nhân gây ung thư vú hay không vẫn luôn là câu hỏi được nhiều chị em phụ nữ quan tâm.
Ung thư vú là gì?
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, vú là một cơ quan nằm trên các xương sườn trên và cơ ngực. Có một bên ngực trái và phải và mỗi bên có chủ yếu là các tuyến, ống dẫn và mô mỡ. Ở phụ nữ, vú tạo và cung cấp sữa để nuôi trẻ sơ sinh. Số lượng mô mỡ trong vú quyết định kích thước của mỗi bên vú.
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa.
Ung thư vú có thể bắt đầu từ các bộ phận khác nhau của vú như các tuyến thùy tạo ra sữa mẹ, ống dẫn sữa, núm vú, mô liên kết, các mạch máu và mạch bạch huyết…
Ung thư vú có thể lây lan khi các tế bào ung thư xâm nhập vào máu hoặc hệ thống bạch huyết và sau đó được đưa đến các bộ phận khác của cơ thể.
Có nhiều loại ung thư vú khác nhau. Hầu hết ung thư vú là ung thư biểu mô. Các bệnh ung thư vú phổ biến nhất như ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ và ung thư biểu mô xâm lấn là ung thư biểu mô tuyến, vì ung thư bắt đầu trong các tế bào tuyến trong ống dẫn sữa hoặc các tiểu thùy (tuyến sản xuất sữa).
Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm: tuổi cao, tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì, ít vận động và một số yếu tố di truyền.
Yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú bao gồm: tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử có kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormone nội tiết estrogen thay thế, không sinh con hoặc sinh con muộn sau 30 tuổi….
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: chế độ ăn uống, sinh hoạt vận động… có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, nhưng vẫn chưa biết chính xác cách một số yếu tố nguy cơ này khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư.
Các hormone dường như cũng đóng một vai trò trong nhiều trường hợp ung thư vú, nhưng điều này xảy ra như thế nào thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Mặc áo ngực có gây ung thư vú?
Theo BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Mai, thời điểm này chưa có một nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa mặc áo ngực gây ung thư vú cũng như việc phẫu thuật thẩm mỹ có liên quan đến ung thư vú.
Có giả thuyết cho rằng mặc áo ngực loại có gọng có thể hạn chế dòng chảy của chất lỏng bạch huyết ra khỏi vú, gây ra các chất độc hại tích tụ trong mô.
Nhưng, theo một nghiên cứu trên khoảng 1.500 phụ nữ mắc ung thư vú được công bố trong chuyên san Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention vào năm 2014, không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc mặc áo ngực có gọng và ung thư vú.
Tuy nhiên BS. Mai khuyến cáo việc mặc áo ngực sai kích cỡ cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe người mặc. Mặc áo ngực quá chật gây khó chịu dễ dẫn đến những căn bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm nang lông do gọng áo hằn sâu vào trong da, gây tăng tiết mồ hôi nhiều hơn, hoặc gây nóng bức, trầy xước da…
Áo ngực quá chật khiến áo bó chặt vào vùng ngực tạo áp lực lên xương sườn và cơ hoành, làm cản trở lưu thông máu ở vòng ngực khiến người mặc cảm thấy khó thở hơn, rối loạn cơ hô hấp.
Chọn sai kích cỡ áo ngực cũng gây ra tình trạng đau lưng, đau đầu, theo một số thống kê cho thấy việc mặc áo ngực quá chật dễ bị đau lưng hơn, dây áo bó quá chặt gây áp lực lên dây thần kinh và lưng làm tổn hại đến hệ tuần hoàn, hạn chế lượng máu lên não. Tạo áp lực lên các cơ bắp, mạch máu xung quanh vai, lưng, xương sườn… dễ dẫn đến đau đầu, chóng mặt, gây đau vai, đau cánh tay do dây áo ngực quá chật.
Mặc áo ngực sai kích cỡ cũng khiến bầu ngực kém săn chắc hơn, do bầu vú chúng ta chủ yếu là mô mỡ và cơ, nếu mặc áo sai kích cỡ (quá rộng hoặc quá chật) sẽ khiến cơ ngực kém phát triển hơn.