Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 ở miền Bắc đúng nghi lễ và truyền thống

14/08/2024 19:00

Mâm cơm cúng rằm tháng 7 miền Bắc là một nét văn hóa truyền thống, luôn được chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng. Theo quan niệm, ngày rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, là ngày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, thần linh hay những vong hồn lạc lối.

Tại các vùng miền khác nhau, người ta có những quan niệm riêng về Rằm tháng 7. Nếu như ở miền Nam, ngày này vừa là dịp Vu Lan báo hiếu cha mẹ, vừa là dịp xá tội cho những hồn ma.

Thì miền Bắc thường chú trọng hơn vào việc xá tội cho những linh hồn lạc lối, chưa được giải oan. Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, Phật tổ sẽ tiến hành lễ xá tội cho các vong nhân, giúp họ được siêu thoát khỏi cõi âm.

Vì vậy, vào ngày Rằm tháng 7, người miền Bắc thường nấu cơm cúng để tưởng nhớ tổ tiên, thờ cúng các vị thần, và cũng để bố thí, an ủi những hồn ma không có nơi nương náu.

Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 ở miền Bắc đúng nghi lễ và truyền thống-1
Ảnh minh họa

Mâm lễ cúng Phật

Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ. Nếu dùng hoa tươi như: Hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại. Đồ cúng thường là cỗ chay hoặc ngũ quả, nước lọc.

Gia chủ có thể làm mâm cỗ chay gồm: Giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc rau củ quả, đậu hũ...

Mâm cúng thần linh và gia tiên

Cúng thần linh thường là gà trống để nguyên con và xôi hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng. Ngoài ra phải có thêm rượu, chè, trái cây và bình hoa tươi.

Cúng gia tiên là một mâm cơm, có thể là món mặn hoặc chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống.

Mâm cúng cơ bản cho ngày rằm tháng Bảy thường có gà luộc, canh miến mọc, xôi đỗ xanh, thịt bò xào, chả nem, tôm hấp sả... Các gia đình có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp với khẩu vị gia đình mình.

Mâm cúng chúng sinh

Lễ cúng chúng sinh thường có gạo muối, cháo trắng, hoa quả, đường thẻ, quần áo chúng sinh, bỏng ngô, bánh kẹo, tiền vàng, nước, 3 ly cốc nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ. Lễ cúng chúng sinh không nên làm lễ mặn vì có thể khơi dậy tham, sân si.

Lễ cúng chúng sinh phải được bày ngoài trời hoặc trước cửa chính của ngôi nhà, gia chủ đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ. Khi lễ cúng chúng sinh xong thì gạo, muối được vãi ra sân, đường còn vàng mã thì đem đốt.

Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...).

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời, Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự. Bởi vậy, các gia đình có thể cân nhắc hình thức này.

Trước đó trên báo Sức Khỏe Đời Sống, chuyên gia phong thủy cho biết, cúng Rằm tháng 7 không nhất thiết chính ngày, bạn có thể lựa chọn những ngày giờ đẹp dưới đây để cúng Rằm tháng 7 mang lại may mắn.

Theo chuyên gia Nguyễn Song Hà, có một điều đặc biệt cần lưu ý trong chọn ngày cúng Rằm tháng 7 trước. Đó là hàng năm 12 tháng trong năm các ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng, kể cả trong tháng 7 âm lịch vẫn luôn là ngày Nguyệt Thần Tài.

Do đó tuyệt đối không được cúng Rằm trong ngày mùng 10 âm lịch vì như thế là phạm lễ, mất lễ. Còn nếu trong ngày mùng 10 âm cúng Thần Tài xong trước rồi cúng Rằm sau thì mới được.

Nếu tiến hành cúng Rằm tháng 7 vào ngày chính là 15/7 âm lịch, mọi người nên chọn giờ cúng sáng từ 7h - 9h; 9h - 11h, chiều từ 13h -15h. Ngày Giáp Dần kị các tuổi Tị, Thân (tuổi Hợi là nhị hợp không kị) và các tuổi mang thiên can Mậu có năm sinh âm lịch tận cùng là số 8 (1948, 1958, 1968, 1978, 1988, 1998, 2008, 2018).

Xem chi tiết tại đây: https://2sao.vn/nhung-ngay-gio-dep-cung-ram-thang-7-mang-lai-may-man-cho-gia-chu-n-389268.html

Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 ở miền Bắc đúng nghi lễ và truyền thống-2
Ảnh minh họa

Cũng trên báo Sức Khỏe Đời Sống, chuyên gia phong thủy bày cách sắm đồ lễ cúng Rằm tháng 7 để mang lại nhiều may mắn.

Để chuẩn bị đồ lễ cúng thần linh và gia tiên vào Rằm tháng 7, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, khi làm cơm, ta nên lựa chọn thực đơn theo mùa cho tươi ngon. Thời điểm này tuy đã bước sang mùa thu nhưng tiết trời còn khá nóng, ta nên lựa chọn đồ ăn có vị mát, tính hàn.

Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép... Các gia đình có thể làm một mâm cơm mặn với đủ các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho,… và đồ vàng mã theo nhu cầu sinh thời của người đã khuất.

Xem chi tiết tại đây: https://2sao.vn/chuyen-gia-phong-thuy-bay-cach-sam-do-le-cung-ram-thang-7-de-mang-lai-nhieu-may-man-n-389178.html

Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 ở miền Bắc đúng nghi lễ và truyền thống-3
Ảnh minh họa

Theo Gia Đình Việt Nam - Sức Khỏe Đời Sống

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 ở miền Bắc đúng nghi lễ và truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO