Mãn hạn tù sớm, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương có được quay lại làm việc?

22/01/2021 16:35

Sau khi mãn hạn tù, cựu bác sĩ của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Hoàng Công Lương muốn tiếp tục theo nghề thì sẽ phải làm gì?.

Mãn hạn tù sớm, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương có được quay lại làm việc? - Ảnh 1.

Được ân xá ra tù sớm, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương có được quay lại làm việc?

Ngày 21/1, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương đã được mãn hạn tù sớm sau khi thụ án 19 tháng tù giam. Trước đó, cựu bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt 30 tháng tù về tội "vô ý làm chết người", trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong vào cuối tháng 5/2017.

Điều khiến nhiều người quan tâm là sau khi mãn hạn tù, anh Hoàng Công Lương có được tiếp tục làm nghề y nữa hay không? Và cựu bác sĩ của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình muốn tiếp tục theo nghề thì sẽ phải làm gì?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ theo bản án Phúc thẩm - ngoài mức án 30 tháng tù được tuyên, HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề đối với cựu bác sĩ Hoàng Công Lương.

Tuy nhiên, sau khi bác sĩ Lương bị truy tố, Sở Y tế đã tạm thu hồi thẻ hành nghề khám chữa bệnh của bác sĩ Lương. Sau đó, bác sĩ Lương được chuyển làm công việc hành chính ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết, mặc dù tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung nhưng căn cứ theo điểm g khoản 1 Điều 29  Luật khám chữa bệnh 2009 có quy định:

“Điều 29. Thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề. (g) Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này.”

Theo khoản 4 Điều 18 Luật Khám chữa bệnh 2009 quy định:

“…trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự”

Như vậy nếu bị truy tố hoặc bị kết án thì trước hoặc trong thời gian chấp hành hình phạt tù, bác sĩ sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề khám chữa bệnh. Khi nào chấp hành xong án phạt tù, cựu bác sĩ Lương phải chứng minh đủ các điều kiện để xin cấp lại.

Trình tự thủ tục, thủ tục và hồ sơ xin cấp lại được căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật khám chữa bệnh 2009.

Theo đó, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết, hồ sơ xin cấp lại chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, Luật khám chữa bệnh đã có quy định rất rõ. Hồ sơ này bao gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, văn bản xác nhận quá trình thực hành, giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề, phiếu lý lịch tư pháp...

Cũng liên quan đến trường hợp BS Hoàng Công Lương, sáng nay tại một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức, thông tin ngoài lề, lãnh đạo một Vụ cho biết, sau khi mãn hạn tù, giờ muốn đi làm thì Lương phải đi xin việc. Có thể làm ở BV Nhà nước và BV tư nhân, làm ở phòng khám hoặc làm nghề gì đó không liên quan đến nghề y.

Vị này đặt ra tình huống, nếu Lương vẫn tiếp tục có nguyện vọng làm công việc khám chữa bệnh gắn với sức khoẻ, tính mạng con người thì phải có chứng chỉ hành nghề. Trong khi chứng chỉ hành nghề của Lương đã bị thu hồi, do đó “phải làm thế nào để có”.

Theo quy định, chứng chỉ hành nghề sau thời gian không thực hành phải bảo đảm học lại (thực hành). Khi đủ điều kiện cả về quy định chuyên môn lẫn của toà án (có trường hợp cấm quy định hành nghề sau 3, 5 năm nhưng cũng có trường hợp không cấm) thì lúc này bác sĩ mới được cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Quy định về đăng ký thực hành khám, chữa bệnh

Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải đăng ký thực hành phù hợp với văn bằng chuyên môn được đào tạo.

Trường hợp là bác sỹ đa khoa thì đăng ký thực hành theo một trong bốn chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi hoặc đăng ký thực hành theo một trong các hệ nội – nhi hoặc ngoại – sản. Trường hợp thực hành theo hệ thì tổng thời gian thực hành là 18 tháng trong đó thời gian thực hành tại mỗi chuyên khoa thuộc hệ ít nhất là 09 tháng liên tục.

Trường hợp là y sỹ đa khoa thì đăng ký thực hành theo một trong bốn chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi hoặc đăng ký thực hành theo một trong các hệ nội – nhi hoặc ngoại – sản. Trường hợp thực hành theo hệ thì tổng thời gian thực hành là 12 tháng trong đó thời gian thực hành tại mỗi chuyên khoa thuộc hệ ít nhất là 06 tháng liên tục.

Thời gian thực hành khám, chữa bệnh

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật khám, chữa bệnh thì thời gian thực hành được quy định như sau:

a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, việc nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sĩ;

b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;

c) 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên.

d) 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.

Theo N. Huyền/Infonet

https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/man-han-tu-som-cuu-bac-si-hoang-cong-luong-co-duoc-quay-lai-lam-viec-275617.html

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mãn hạn tù sớm, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương có được quay lại làm việc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO