Mối nguy hại khôn lường từ việc sưởi ấm bằng than, củi

08/02/2022 14:56

PLBĐ - Để đối phó với những ngày nhiệt độ giảm sâu, nhiều gia đình đã dùng củi, than tổ ong đốt trong phòng kín để sưởi ấm. Dù đã được cảnh báo rằng sưởi ấm bằng phương pháp này rất nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn áp dụng, dẫn đến không ít vụ tử vong do ngạt khí, ngộ độc khí CO.

Tối ngày 3/2 (mùng 3 Tết Nguyên đán), gia đình bà T.T.C. (66 tuổi, trú xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đốt than tổ ong sưởi ấm. Chậu than được đặt trong phòng ngủ rộng khoảng 10m2, đóng kín cửa.

Sáng hôm sau, người thân không thấy mẹ con bà C. ra khỏi phòng nên vào kiểm tra. Lúc này, 4 người nằm bất tỉnh gồm bà C., con gái D.T.P. (40 tuổi), cháu Đ.D.A. (12 tuổi) và cháu Đ.V.T. (9 tuổi, cùng là con chị P.). 4 người được đưa ra khỏi phòng nhưng bà C. và cháu A. đã tử vong. Hai người còn lại được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, đây không phải trường hợp đầu tiên tử vong do sưởi ấm bằng việc đốt than tổ ong, củi. Theo các chuyên gia y tế, năm nào cũng có trường hợp tử vong do ngộ độc khí CO khi sưởi ấm bằng phương pháp này. Điều đáng nói là các nạn nhân đa số là sản phụ, trẻ nhỏ và người già.

Mối nguy hại khôn lường từ việc sưởi ấm bằng than, củi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngộ độc khí CO nguy hiểm đến mức nào?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, với những loại than tổ ong, than củi khi cháy trong điều kiện thiếu không khí, không thông gió sẽ tạo ra loại khí cực độc là cacbon monoxide (hay còn gọi là CO).

Trong cơ thể con người, CO có khả năng gắn với protein trong máu (Hb) cao gấp 200-250 lần so với khí oxy, tạo thành hợp chất bền vững HbCO (Cacboxy Hemoglobin). HbCO làm giảm lượng oxy trong máu đến các bộ phận như tim, não…

Ngoài ra, một phần nhỏ CO hòa tan vào huyết tương, gắn với Myoglobin làm giảm sức co bóp cơ tim. Nguy hiểm hơn, tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương não vĩnh viễn, tổn thương tim, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hoặc hôn mê, tử vong.

"Bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải khí CO độc này sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Trường hợp hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính. Có đến 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người...", báo Người lao động dẫn lời BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Còn theo ThS.BS Nguyễn Khánh Dương (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh), nạn nhân bị ngộ độc khí CO có thể có các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức... Nguy hiểm hơn, người đang ngủ hoặc say rượu có thể tử vong mà không có biểu hiện nào.

Cách xử trí và phòng ngộ độc khí CO

Khi người thân phát hiện nạn nhân bị nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi, cần khẩn trương làm những việc theo trình tự như sau: Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt; nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng-miệng hay miệng-mũi; nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.

Khi nạn nhân đã được chuyển đến các cơ sở y tế, cần tiến hành các biện pháp hồi sức: khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp, khi cần phải đặt ống nội khí quản và thở máy; chống co giật, hôn mê; nếu bệnh nhân tụt huyết áp, phải truyền dịch, đặt catheter, cho thuốc vận mạch; dùng thuốc điều trị toan chuyển hóa, tiêu cơ vân, suy thận; đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân... Trong điều trị đặc hiệu: dùng liệu pháp oxy, cung cấp oxy liều cao càng sớm càng tốt. Những bệnh nhân bị ngộ độc nặng, cần cho thở oxy cao áp.

Để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc, các chuyên gia y tế cảnh báo mọi người dân không nên dùng các loại than để sưởi trong phòng kín; không nên dùng lò nướng, bếp gas để sưởi. Thường xuyên kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi, hệ thống thông hơi. Không đặt máy phát điện ở nơi kín như tầng hầm, nhà để xe hoặc để gần cửa phòng ở. Nếu có điều kiện, gia đình nên mua thiết bị phát hiện khí CO (carbon monoxidee detecter) để trong nhà. Ở nơi làm việc có khí CO như lò gạch, lò luyện kim, xưởng máy... phải đo nồng độ CO định kỳ và có biện pháp xử lý để nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép.

Nếu bắt buộc phải sử dụng than để sưởi, người dân nên chú ý:

- Không dùng trong phòng kín

- Nên để hé cửa sổ để có lối thoát khí

- Không dùng khi nhà có người già, trẻ em

- Không để gần những vật dễ bắt lửa

- Chỉ nên sử dụng tối đa 1 tiếng và dùng các loại than sinh nhiệt an toàn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương, nhất là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Từ đó, giúp người dân sử dụng than, củi sưởi ấm đúng cách để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình; tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.

Phạm Hương (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mối nguy hại khôn lường từ việc sưởi ấm bằng than, củi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO