Tôi muốn biết trong năm 2024 thì mỗi tháng người lao động được làm thêm bao nhiêu giờ? Có những điều kiện gì khi làm thêm giờ hay không? – Hạnh Nguyên (Bình Dương).
Căn cứ khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
- Phải được sự đồng ý của người lao động.
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng.
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, khi sử dụng người lao động làm thêm giờ thì công ty phải đảm bảo số giờ làm thêm nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Theo đó thì số giờ làm thêm của người lao động trong một tháng là không quá 40 giờ.
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Trong năm 2024, mỗi tháng người lao động được làm thêm bao nhiêu giờ (ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ được quy định như sau:
Trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
- Thời gian làm thêm.
- Địa điểm làm thêm.
- Công việc làm thêm.
Lưu ý, trường hợp sự đồng ý của người lao động được ký thành Văn bản thỏa thuận làm thêm giờ (theo Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật.
- Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Do đó, hành vi ép buộc người lao động làm thêm trái với ý muốn công ty sẽ bị phạt hành chính với số tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Điều 64. Nghỉ trong giờ làm việc - Nghị định 145/2020/NĐ-CP 1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động. 2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút. 3. Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc. 4. Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc. |