Các triệu chứng của bệnh huyết áp thấp được Đông y đề cập trong phạm vi các chứng huyễn vựng, hư lao. Bệnh thường gặp ở người thể chất kém và phụ nữ, nhưng cũng có người không thấy cảm giác gì rõ rệt.
Gọi là huyết áp thấp khi số đo huyết áp tối đa bằng hoặc dưới 90 mmHg, và huyết áp tối thiểu bằng hay dưới 60 mmHg .
Theo y học hiện đại, có nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp, đó là: Mất nước do nôn, ói, tiêu chảy, sốt, hoặc dùng nhiều thuốc lợi tiểu; bỏng nặng, đổ mồ hôi nhiều... Ngoài ra, thiếu vitamin B12, sử dụng các thuốc giãn mạch, viagra, chống trầm cảm… cũng là nguyên nhân gây huyết áp thấp.
Huyết áp thấp kéo dài làm cho công năng của cơ thể giảm sút.
Đông y cho rằng, huyết áp thấp là do dương khí suy yếu, âm huyết hư tổn hoặc âm dương lưỡng hư (cả phần âm và phần dương đều suy yếu) gây nên. Bệnh kéo dài sẽ làm cho công năng của cơ thể giảm sút rất nhanh. Biểu hiện như chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, đoản hơi, mệt mỏi, buồn ngủ, ngủ không sâu, kém tập trung, buồn nôn, mờ mắt, hơi thở nhanh, da lạnh, khát nước. Nếu huyết áp quá thấp, bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch, sốc…
Bài 1: Quế chi 10g (vỏ bóc ở cành nhỏ), quế nhục 10g (vỏ bóc ở thân cây), cam thảo 10g, mạch môn đông 10g, ngũ vị tử 6g, hồng sâm 5g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Hoàng tinh 30g, đẳng sâm 30g, cam thảo 10g. Sắc uống vào buổi sáng, ngày 1 lần.
- Cháo gạo nếp, đại táo gồm: Long nhãn 15g, hạt sen 15g, đại táo 5 quả, gạo nếp 30g. Hạt sen bỏ tâm, táo bỏ hạt, cùng với long nhãn, gạo nếp nấu thành cháo. Khi ăn thêm chút đường vào cho đủ ngọt.
Công dụng: Chữa huyết áp thấp, dùng lâu ngày có tác dụng tăng cường sức khỏe.
- Cháo nhân sâm gồm: Nhân sâm 10g, bạch phục linh 10g, gạo tẻ 40-60g, gừng tươi 10g. Đầu tiên sắc nhân sâm, phục linh và gừng lấy nước bỏ bã, sau đó cho gạo vào nấu đến khi cháo chín, thêm mắm muối và gia vị vào cho vừa miệng, chia thành 2-3 lần ăn trong ngày vào lúc đói bụng.
Công dụng: Giảm mệt mỏi, chữa huyết áp thấp, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
Chè hạt sen thích hợp với người bệnh huyết áp thấp
- Trà sâm mạch ngũ vị gồm: Nhân sâm 10g (hoặc đảng sâm 20g), mạch môn đông 12g, ngũ vị tử 12g, sắc 2 nước, chia ra uống trong ngày vào lúc đói bụng. Uống liên tục 15 ngày có thể thấy rõ tác dụng.
Công dụng: Chữa huyết áp thấp, thích hợp với người cao tuổi.
- Chè hạt sen gồm : Nhân sâm 5g, hạt sen 10 hạt, đường phèn 30g. Trước hết cho sâm và hạt sen (bỏ tâm) vào một cái bát nhỏ, đổ nước sạch vào ngâm cho sâm và sen nở ra. Sau đó đặt lên nồi cơm hấp, hoặc hấp cách thủy 1 giờ. Ăn hạt sen và uống nước thuốc. Sâm giữ lại để nấu lần thứ hai. Mỗi ngày ăn 2 lần; lần thứ hai có thể ăn luôn cả sâm. Dùng liên tục 2 tháng.
Công dụng: Chữa huyết áp thấp, thích hợp với độ tuổi trung niên, người làm việc trí óc căng thẳng.
- Rượu long nhãn gồm: Long nhãn một lượng vừa đủ, cho vào lọ (bình), đổ ngập rượu khoảng 5-10cm, ngâm ít nhất 2 tuần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 ml.
Công dụng: Bổ khí huyết , ấm tỳ vị, giúp tinh thần tỉnh táo, dùng thường xuyên có tác dụng dự phòng huyết áp thấp.
- Tích cực tham gia rèn luyện thể dục nhằm cải thiện thể chất, mức độ vận động vừa phải, không nên vội vã, cần kiên trì.
- Có người khi ngủ dậy mắt hoa đầu váng… cho nên trước khi dậy cần hoạt động nhẹ chân tay, xoa mặt, xoa bụng. Khi ngồi dậy nên ngồi im một lát rồi từ từ rời khỏi giường đứng xuống đất. Khi ngủ nên gối đầu thấp, gác chân cao.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều canh, hàng ngày ăn muối nhiều hơn người thường. Không nên ăn những thứ lợi tiểu như bí ngô, dưa hấu, bầu, đậu đỏ... để duy trì dung lượng máu.
- Nên tắm nước ấm nóng để cải thiện tuần hoàn máu. Tuy nhiên mỗi lần tắm không nên quá lâu.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị tích cực bệnh mạn tính (tiêu hóa, tim mạch) nếu có…