GĐXH – Cách chế biến đơn giản được làm từ loại củ tốt cho người tiểu đường này là món ngon mùa Đông bổ rẻ, được nhiều người ưa thích trong thời tiết lành lạnh.
Theo BS Ngô Thị Mai Phương (BVĐK Medlatec), củ sắn là thực phẩm có chứa nhiều tinh bột, hương vị thơm ngon, dễ ăn. Người mắc tiểu đường ăn sắn cũng rất tốt cho cơ thể. Bởi củ sắn có chỉ số số đường huyết ở mức trung bình thấp, giúp người sử dụng ổn định mức đường huyết.
Ngoài ra, trong sắn có chứa nhiều chất xơ, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn vặt. Trong 100gr sắn luộc chứa 112 calo, carbohydrate trong sắn có tác dụng cân bằng năng lượng, loại bỏ mỡ thừa, hạn chế việc hấp thụ các chất béo cho cơ thể. Bởi vậy, ăn củ sắn cũng tốt cho người giảm cân.
Củ sắn dễ ăn và có thể chế biến thành món chè sắn. Đây là món ngon mùa đông bổ rẻ và hầu như chỉ có vào mùa lạnh.
Món chè này thoạt nhìn khá giống với bánh trôi tàu vì những viên sắn trắng được bao bọc bởi màu nước dùng nâu vàng. Tuy nhiên, miếng sắn thường có kích thước nhỏ hơn viên bánh trôi, có độ dẻo quánh khi nhai trong miệng mà không bị bở. Dùng thìa múc lên, nước đường đặc sệt quyện vào miếng sắn, kéo thành từng sợi giữa làn khói bốc ra từ bát chè nóng hổi có hương vị thơm, thoảng vị gừng.
Với những nguyên liệu đơn giản, mọi người có thể chế biến món chè sắn nóng chuẩn vị tại nhà như sau theo hướng dẫn của chị Cao Giang (Hà Nội).
+ 1kg sắn bở
+ 2gr muối hạt to
+ Lá nếp 3 lá
+ 10gr gừng
+ 300gr đường thốt nốt nấu chè
+ 80gr bột năng
+ 50gr dừa nạo sợi
Bước 1: Sắn nên chọn loại thuôn dài, tách vỏ rồi cắt miếng vừa ăn, cho ngâm nước muối loãng 1 tiếng. Sau đó, đem rửa sạch rồi hấp cho đến khi sắn chín mềm và cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Cho 100gr đường thốt nốt cùng với 50ml nước vào đun sôi, cho sắn đã cắt vào rim khoảng 5 phút để ngấm đường thốt nốt. Rim xong vớt sắn ra 1 chiếc âu khác. Rim sắn cùng đường nốt nốt giúp sắn có màu đẹp mắt và ngon hơn.
Bước 3: Vẫn nồi đó, bạn cho khoảng 1,2 lít nước vào, thêm 200gr đường thốt nốt, lá nếp, gừng và muối vào đun sôi. Hòa bột năng với khoảng 100ml nước, cho bột từ từ vào rồi quấy thật đều tay với lửa nhỏ để tránh bị bén. Bột chín tắt bếp cho sắn và dừa nạo sợi vào là đã có được chè sắn ngon. Bát chè có vị ngọt thanh từ thốt nốt, bở dẻo của sắn. Nếu bạn thêm chút chân châu dừa vào thì bát chè ăn càng ngon hơn.
Quán này có nhiều loại chè khác nhau, nhưng nổi tiếng vẫn là món chè sắn nóng. Chè ở đây nổi tiếng bởi vị bùi, thơm. Sắn được cắt miếng nhỏ, nấu dẻo không quá bở, có vị bùi, thơm và béo ngậy. Nước chè nóng sánh có màu vàng nâu óng ánh của đường, sền sệt và thoang thoảng hương gừng, hương cốt dừa. Nhìn bát chè thôi đã đẹp mắt.
Ở khu ngõ Ngõ Chợ Ngô Sĩ Liên, Đống Đa, Hà Nội có rất nhiều quầy ăn vặt. Đến đây, bạn cũng có thể thử món chè sắn nóng ấm bụng trong ngày lạnh giá. Mỗi bát chè sắn nóng được bán với giá 15.000 đồng. Chè có hương thơm đặc trưng, sắn dẻo mềm, vị bùi bùi và nước đường có độ ngọt vừa phải.
Tại quán số 6 Ngõ 171 Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội có đủ các loại chè nóng trong những ngày đông lạnh giá. Ngoài chè sắn cốt dừa, bạn cũng có thể thưởng thức những món chè sen cốm, chè trôi tàu, chè mochi sắn hay chè khoai môn cốm…
Chè sắn cốt dừa nóng ở đây hương vị ngon. Sắn dẻo mềm, thêm chút cốt dừa và dừa nạo sợi hòa quyện ăn rất ngon.
Nếu ở Hà Đông, bạn muốn thưởng thức món chè sắn nóng thì có thể tới 12 Trưng Nhị, Hà Đông, Hà Nội. Ở đây, thực đơn của tiệm vô cùng phong phú với nhiều loại chè khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại. Trong mùa Đông này, chè sắn nóng được nhiều người ưa thích hơn. Phần chè sắn có nước đường thơm gừng, vị ngọt thanh dễ chịu, ấm nóng.