Một cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Nghệ An ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trên 100% chỉ sau 5 tháng đầu năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện nhiều cổ phiếu tăng "như tên lửa" bất chấp VN-Index gặp khó trước ngưỡng kháng cự mạnh. Một trong số đó là cổ phiếu HMR của CTCP Đá Hoàng Mai. Kể từ khi bắt đầu nổi sóng hồi đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 400% và tăng tới 455% tính từ đầu năm. Chốt phiên giao dịch 6/6, cổ phiếu HMR lên mức 40.500 đồng/cp (tạm dừng phiên giao dịch sáng 6/6).
HMR hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác và sản xuất đá, sản xuất tà vẹt cho các công trình đường sắt, hoạt động xây lắp công trình hạ tầng.
HMR hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác và sản xuất đá
Công ty hiện sở hữu một nhà máy sản xuất và khu mỏ đá tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Khu vực mỏ khai thác có diện tích 7,5ha, với trữ lượng đá vôi khoảng 11 triệu tấn.
Trong năm 2024, HMR chủ động đầu tư nâng cao năng lực và mở rộng sản xuất, đi trước đón đầu các dự án đường sắt, đặc biệt các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam… để nghiên cứu, học tập, đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất phù hợp.
Đá Hoàng Mai đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán HMR từ đầu năm 2022. Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên (13/1/2022) là 15.700 đồng/cp, tương ứng định giá gần 88 tỷ đồng. Đến nay, giá trị vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gấp gần 3 lần lên hơn 250 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm niêm yết, vốn điều lệ của Đá Hoàng Mai vẫn ở mức 56 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là CTCP Tổng công ty Công trình đường sắt (mã RCC) sở hữu gần 60% cổ phần. Đây là cổ đông lớn duy nhất của Đá Hoàng Mai.
Điều đáng nói, trong bối cảnh cổ phiếu liên tục tăng nóng, một loạt lãnh đạo của công ty này đã có động thái chốt lời.
Cụ thể, bà Vũ Thị Hải Yến, thành viên HĐQT đã bán 60.000 trên 65.000 cổ phiếu nắm giữ; bà Nguyễn Thị Bình, thành viên BKS đã bán toàn bộ 1.000 cổ phiếu nắm giữ; ông Nguyễn Nhật Cường, Phó Giám đốc bán toàn bộ 1.039 cổ phiếu và bà Nguyễn Thị Hải, thành viên HĐQT bán 10.000 trên 174.417 cổ phiếu nắm giữ.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index kết phiên giảm điểm do thị trường bất ngờ trở nên bi quan hơn về cuối phiên với áp lực cung gia tăng vào nửa sau phiên chiều khiến thị trường vẫn không thể thoát khỏi trạng thái giằng co quanh vùng đỉnh cũ.
Đáng chú ý hơn, thanh khoản thị trường trở lại mức thấp cho thấy áp lực tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở vùng đỉnh cũ và thị trường khó có được sự đồng thuận để chỉ số bứt phá.
Nhận định phiên giao dịch 7/6, CTCK Asean nhận định, yếu tố thanh khoản sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn này và thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tích luỹ quanh biên độ 1.260-1.280 điểm
CTCK Vietcombank (VCBS) cũng khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng từ 60-70% danh mục đối với những cổ phiếu đang có xu hướng tích lũy tốt và giữ vững được vùng hỗ trợ thuộc các nhóm ngành như điện, ngân hàng, bán lẻ.
Tuy nhiên, cần hạn chế mua mới tại thời điểm hiện tại để hạn chế tối đa rủi ro điều chỉnh T+ và nên kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu rõ ràng hơn.