Báo cáo tài chính gần nhất được công bố cho thấy tại thời điểm 30/6, công ty này có khoản khoản nợ gốc vay quá hạn lên tới 314 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) mới đây thông báo chào bán khoản nợ khách hàng Công ty CP đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex – Mã: DDG).
Tài sản đảm bảo của khoản nợ này là hai lô đất có diện tích 104 -136m2 có địa chỉ tại phường Phú Hữu, Quận 9 (nay là TP. Thủ Đức), TP. HCM, cùng với hàng chục thửa đất có địa chỉ tại xã Phú An, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Đáng chú ý, tài sản đảm bảo cho khoản nợ còn có 2,6 triệu cổ phiếu DDG của Công ty Đông Dương do ông Lê Nhật Phong và bà Lê Thị Xuân Yến sở hữu.
Báo cáo tài chính gần nhất được Indochine Imex công bố cho thấy tại thời điểm 30/6, công ty có khoản khoản nợ gốc vay quá hạn lên tới 314 tỷ đồng. Chi tiết như sau: Agribank): 43,5 tỷ đồng, BIDV (48,4 tỷ đồng), VPBank (43,5 tỷ đồng), MB (33,6 tỷ đồng), Vietcombank (25,2 tỷ đồng), VietinBank (47 tỷ đồng), Công ty Tài Chính Mirae Asset (22 tỷ đồng), Velotrade Management Limited (16,8 tỷ đồng), Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (29,9 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Indochine Imex cũng chậm thanh toán trái phiếu đến hạn.
Theo Indochine Imex, lý do chưa thanh toán là vì tình hình khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Bên cạnh đó, các ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt thẩm định và tín dụng, nên khi ngân hàng ngừng gia hạn/cấp mới hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp đang vay, khiến cho nguồn vốn lưu động của công ty bị thiếu hụt rất lớn và đồng tiền thanh toán thắt chặt.
"Các nguyên nhân trên đã dẫn đến công ty gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn của ngân hàng", Indochine Imex cho hay.
Indochine Imex có tên cũ là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành, được thành lập ngày 25/6/2010, vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp hơi nhiệt - điện.
Tháng 12/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng, và một năm sau, Indochine Imex chính thức đưa 12 triệu cổ phiếu DDG lên giao dịch trên sàn HNX. Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của DDG đã xấp xỉ 800 tỷ đồng, tương đương lượng cổ phiếu lưu hành là gần 80 triệu đơn vị.
Năm 2023, công ty báo lỗ kỷ lục 206 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 44 tỷ đồng.
Năm 2024, Indochine Imex đặt mục tiêu doanh thu 550 tỷ đồng, lãi sau thuế 4 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh, tập trung vào cốt lõi. Sau khoảng thời gian doanh thu giảm sút, bắt buộc phải có những định hướng tập trung ổn định lợi nhuận. Trong năm nay, công ty dự kiến cho đi vào hoạt động một số nhà máy sau thời gian đầu tư.
Kết thúc nửa đầu năm, Indochine Imex ghi nhận doanh thu thuần hơn 120 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ 2023. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp hơn 18 tỷ đồng, giảm so với mức 22 tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm 2023.
Do vẫn chịu áp lực từ chi phí tài chính lên tới gần 51 tỷ đồng, Indochine Imex lỗ thuần hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ khoản thu đột biến gần 21 tỷ đồng từ hoạt động khác, công ty báo lãi trước thuế 6,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cải thiện mạnh so với mức lỗ gần 192 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ 2023.
Đóng cửa phiên giao dịch 16/9, cổ phiếu DDG dừng ở mức 3.200 đồng/cp với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 152.000 đơn vị. Trước đó, cổ phiếu DDG của Indochine Imex đã bất ngờ giảm sàn liên tiếp từ tháng 4/2023 đến tháng 5/2023. Thị giá sau đó có nhịp hồi phục ngắn, nhưng rồi duy trì xu hướng giảm kéo dài đến nay.
Cùng với đà lao dốc của cổ phiếu, hoạt động bán hoặc bị công ty chứng khoán giải chấp của cổ đông nội bộ Indochine Imex cũng liên tục xuất hiện.
Mới đây, bà Trần Kim Sa, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Indochine Imex, đăng ký bán 1,15 triệu cp từ ngày 6/6 đến 5/7.
Trước đó, bà Sa từng đăng ký bán cùng khối lượng trên trong tháng 4 nhưng giao dịch bất thành với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi. Giao dịch thành công gần nhất rơi vào 22/2 khi bán được 200.000 cp.
Ông Trần Kim Cương, Phó Tổng Giám đốc, đồng thời là em trai bà Sa, báo cáo bị công ty chứng khoán giải chấp 550.000 cp từ 29/5 đến 30/5. Khối lượng sở hữu của ông Cương hạ xuống 250.000 cp, tương ứng với 0,31% vốn.
Ông Cường cũng từng bán 500.000 cp từ ngày 31/1 đến 2/2. Ông Cương tiếp tục đăng ký bán 1 triệu cp trong tháng 4, nhưng chỉ giao dịch thành công 450.000 cp, với lý do tương tự bà Sa.
Một trường hợp khác, ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bán 1 triệu cp từ ngày 23/1 đến 30/1. Sau giao dịch, ông Quang hạ sở hữu xuống 334.700 cp, tương ứng với 0,56% vốn điều lệ công ty.