Một hợp đồng có được ký với một nhóm người lao động hay không?

22/10/2024 15:38

Một hợp đồng có được ký với một nhóm người lao động hay không? Công ty cần phải lưu ý những gì khi tuyển dụng lao động?

1. Một hợp đồng có được ký với một nhóm người lao động hay không?

Căn cứ khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019, đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

Theo đó, một hợp đồng lao động có thể ký với một nhóm người người lao động khi đáp ứng các yêu cầu sau:

- Công việc theo mùa vụ, công việc nhất định.

- Hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

- Nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Hợp đồng lao động phải giao kết bằng văn bản.

Như vậy, một hợp đồng có thể ký với một nhóm người lao động nếu đó là hợp đồng lao động các công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng với nhóm lao động từ đủ 18 tuổi trở lên.

File Word Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024]
Tổng hợp biểu mẫu về quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH mới nhất
File Excel tính số tiền nhận bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2024

hợp đồng lao động

Một hợp đồng mùa vụ có thời hạn dưới 12 tháng có thể ký với một nhóm người lao động

(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Công ty cần phải lưu ý những gì khi tuyển dụng lao động?

(i) Công ty không được phép thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động. Trường hợp có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 02 - 06 triệu đồng và hoàn trả tiền đã thu cho người lao động.

(ii) Trường hợp, công ty có hành vi lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 100 – 150 triệu đồng.

(iii) Hành vi phân biệt giới tính, quê quán khi tuyển dụng lao động có thể bị coi là phân biệt đối xử, trừ khi các yêu cầu này là cần thiết do tính chất công việc hoặc bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương. Công ty có hành vi phân biệt đối xử trong lao động sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

(iv) Việc công ty yêu cầu lao động nữ cam kết không mang thai đã can thiệp, cản trở quyền tự do quyết định thời điểm sinh con của cá nhân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Vì vậy văn bản cam kết không mang thai khi làm việc sẽ không có giá trị pháp lý.

(v) Không phải công việc nào công ty cũng có thể tuyển dụng lao động nước ngoài. Chỉ tuyển lao động nước ngoài cho một số vị trí theo quy định.

Khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

>> Xem chi tiết căn cứ pháp lý và nội dung nêu trên tại bài viết: 05 lưu ý dành cho doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động năm 2024

3. Đối tượng nào có quyền giao kết hợp đồng lao động?

3.1. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động

Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

(ii) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

(iii) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

(iv) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

3.2. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động

Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên.

(ii) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

(iii) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

(iv) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

 (Theo khoản 3, khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019)

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/cau-hoi-thuong-gap/mot-hop-dong-co-duoc-ky-voi-mot-nhom-nguoi-lao-dong-hay-khong-6243.html
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/cau-hoi-thuong-gap/mot-hop-dong-co-duoc-ky-voi-mot-nhom-nguoi-lao-dong-hay-khong-6243.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một hợp đồng có được ký với một nhóm người lao động hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO