Loại visa (thị thực) mới được cấp này sẽ giúp công dân Việt Nam dễ dàng nhập cảnh vào Nhật Bản mà không mất quá nhiều thời gian và thủ tục phức tạp.
Visa (thị thực) là tên tiếng Anh của loại giấy tờ cần thiết để nhập cảnh vào một quốc gia. Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, đề cập đến visa (thị thực) của Việt Nam, là loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
E-visa (viết tắt của electronic visa) và là hình thức mới nhất của visa. Dạng thị thực điện tử này được cấp cho người nước ngoài để nhập cảnh vào một quốc gia. E-visa Việt Nam là một dạng thị thực điện tử được Chính phủ Việt Nam cấp phép, cho phép người nước ngoài dễ dàng và thuận tiện nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch, thương mại hoặc công tác.
Với E-visa, du khách có thể hoàn tất đơn xin thị thực trực tuyến và thanh toán phí qua trang web chính thức của Chính phủ Việt Nam mà không cần phải đến Đại sứ quán Việt Nam để nộp hồ sơ và chờ đợi giấy phép nhập cảnh. Tuy nhiên, thị thực điện tử chỉ áp dụng cho những quốc tịch được chấp nhận và chỉ ở một số cửa khẩu được Chính phủ Việt Nam cho phép.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM sẽ cấp thị thực điện tử (e-visa) cho đoàn du khách Việt Nam từ ngày 1/11/2023. Thời gian xét duyệt visa cho khách đoàn xuống tối thiểu 5 ngày làm việc, trong khi trước đây là 10 ngày (tính từ ngày hồ sơ được Đại sứ quán thụ lý, nếu không có yêu cầu bổ sung giấy tờ).
Theo đó, các công ty tư vấn du học, công ty phái cử thực tập sinh, các cơ quan đoàn thể xin visa cho cán bộ, nhân viên sẽ tiến hành nộp toàn bộ hồ sơ thông qua đại lý ủy thác, do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chỉ định, thay vì nộp trực tiếp.
Phía Đại sứ quán Nhật Bản quy định, chỉ công ty du lịch nằm trong danh sách đại lý ủy thác và danh sách công ty chỉ định mới được nộp hồ sơ xin visa các diện trên.
Như vậy, theo chính sách mới, công dân Việt Nam tham gia các đoàn du lịch trọn gói thông qua các công ty du lịch (hoặc đại lý ủy thác khác) được chỉ định sẽ được cấp visa thị thực điện tử. Còn lại, chưa áp dụng cho khách đi tự túc.
Loại thị thực được cấp điện tử là lưu trú ngắn hạn, nhập cảnh một lần với mục đích du lịch trong vòng 15 ngày, chỉ cấp cho người mang hộ chiếu Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam.
Song song đó, việc cấp thị thực truyền thống (dán vào hộ chiếu) vẫn được các cơ quan đại diện của Nhật Bản tiến hành bình thường và có hiệu lực sử dụng.
Thông báo trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, loại thị thực được cấp theo hình thức điện tử là lưu trú ngắn hạn, nhập cảnh một lần với mục đích du lịch trong vòng 15 ngày và chỉ cấp cho người mang hộ chiếu Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam.
Người xin cấp thị thực cần phải xuất trình tại sân bay hiển thị "Thông báo cấp thị thực - Visa issuance notice" trên màn hình điện thoại di động, do đó cần phải có mạng Internet.
Cơ quan nhập cảnh của Nhật Bản không chấp nhận xuất trình dữ liệu PDF, ảnh chụp màn hình hay bản cứng được in ra. Việc cấp thị thực điện tử bắt đầu được thực hiện lần lượt từ trong số các công ty du lịch được chỉ định tổ chức đoàn tour trọn gói (packagetour).
Theo các công ty du lịch, chính sách mới giúp việc xin visa khách đoàn dễ dàng hơn và chắc chắn sẽ thu hút lượng khách nhiều hơn, đặc biệt dịp cuối năm.
Thời gian qua, lượng khách Việt đi Nhật Bản tăng nhanh chóng ngay sau khi nước này mở cửa du lịch. Tour đi Nhật Bản luôn là tour "hot", tuy nhiên nước này cũng đã áp dụng một số thay đổi mang tính chặt chẽ hơn trong bộ hồ sơ xin visa.
Mặc dù không phải phỏng vấn khi xin visa du lịch Nhật Bản, song vẫn có một số trường hợp đại sứ quán hay tổng lãnh sự quán kiểm tra ngẫu nhiên thông tin liên quan đến hồ sơ, giấy tờ qua điện thoại. Nhiều người không nắm rõ thông tin, trả lời không chính xác nên đã không được cấp visa hoặc ngừng xét duyệt.
Việc cấp visa điện tử cho các đoàn tour trọn gói sẽ mang đến sự thuận tiện, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho du khách. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy lượng khách Việt Nam du lịch Nhật Bản tăng trưởng trong thời gian tới.