"Bụt chùa nhà không thiêng. Một vài học trò của tôi là Quế Trân, Tú Sương, Bình Tinh tuy xuất thân là con nhà nòi nhưng lại theo học tôi thay vì cha mẹ trong nhà" – NSƯT Bạch Long chia sẻ.
Mới đây, chương trình Chuyện tối cùng sao đã lên sóng, với sự tham gia của NSƯT Bạch Long. Tại chương trình tuần này, nam nghệ sĩ chia sẻ về sự nghiệp của mình.
Anh nói: "Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, tôi sớm tiếp xúc với sân khấu từ nhỏ. Ngày nào cũng nghe tiếng trống, tiếng đàn, và tiếng ca, nghệ thuật cải lương đã trở thành một phần trong tim tôi.
Cha tôi là cố NSND Thành Tôn, là một cây đại thụ trong làng nghệ thuật hát bội, còn mẹ tôi là nghệ sĩ Huỳnh Mai. Các anh chị em của tôi như nghệ sĩ Bạch Lê, Bạch Liên, Bạch Lựu, Bạch Lý và em trai NSƯT Thành Lộc đều là những nghệ sĩ có tên tuổi.
Năm 10 tuổi, tôi có cơ duyên gặp gỡ với người thầy đầu tiên là Minh Tơ, thầy đã khơi dậy niềm đam mê mãnh liệt với sân khấu trong tôi".
Trước câu hỏi vì sao là con nhà nòi nhưng không học từ cha mẹ mình, vốn là những người có tên tuổi trong nghề, nghệ sĩ Bạch Long liền tiết lộ một quy tắc kỳ lạ trong giới nghệ sĩ.
Anh nói: "Bụt chùa nhà không thiêng. Một vài học trò của tôi là Quế Trân, Tú Sương, Bình Tinh tuy xuất thân là con nhà nòi nhưng lại theo học tôi thay vì cha mẹ trong nhà".
Bạch Long nói thêm: "Lúc bấy giờ, cha tôi là cố NSND Thành Tôn mong con mình theo đuổi con đường học vấn, sau đó muốn chọn nghề gì thì tùy ý các con. Cha tôi cũng bất ngờ khi thấy cả hai con trai đều có những thành công nhất định trong sự nghiệp.
Khi nhỏ, tôi hay tụ họp mấy đứa con nít trong xóm và tự sáng tạo nên những vở diễn đơn giản. Tôi tự mình dựng sân khấu, vẽ cảnh và sáng tác lời thoại. Đó là một trong những nguồn cảm hứng và động lực để tôi thành lập Đoàn Đồng Ấu Bạch Long.
Năm 1990, đài truyền hình nhờ tôi dựng một vở cho các bé con, cháu của nghệ sĩ trong đoàn Minh Tơ biểu diễn. Tôi chuyển thể vở Cóc kiện trời sang cải lương với phong cách gần gũi, lôi cuốn với các khán giả nhí. Đây là một dấu mốc khiến tôi nhận ra giá trị của việc truyền tải cải lương truyền thống cho thế hệ trẻ.
Nếu không làm thì tương lai cải lương sẽ mất. Đó là lí do tôi duy trì đoàn Đồng ấu Bạch Long tới giờ.
Với tôi, mỗi vai diễn đều có giá trị riêng. Mỗi một vai là một số phận. Dù là vai chính hay vai phụ, tôi luôn đầu tư toàn tâm toàn ý. Những vai diễn thiếu nhi nổi tiếng như Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản, Kim Đồng để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng các khán giả trẻ.
Diễn cho thiếu nhi là một thử thách, bởi nghệ sĩ cần truyền tải thông điệp sao cho các em hiểu. Diễn cho các em rất khó, phải lấy được tiếng cười của các cháu. Mà muốn diễn cho trẻ em cười khắc hẳn với người lớn.
Nhiều lúc tôi suy nghĩ tiêu cực vì chạnh lòng khi nhìn hàng ghế khán giả lưa thưa. Tôi rất gan khi dám kiên trì theo đuổi loại hình nghệ thuật này ngay cả khi thời kì đỉnh cao của cải lương Việt Nam không còn.
Mình đã có tâm huyết là phải làm và phải giữ, nếu bỏ qua thì tương lai cải lương sẽ mất".