"Nếu chúng ta thử làm một phép so sánh đơn giản giữa Tp.Tokyo (Nhật Bản) và Tp.HCM (Việt Nam) nhận thấy, sự chênh lệch nguồn cung giữa hai thành phố là rất nhiều" - ông Shin Ogawa, Giám đốc Bộ phận vận hành nhà ở Cosmos Initia nói.
Người Việt có lẽ đã quá quen với thương hiệu Nhật như Ace Cook, Toshiba, Hitachi, Panasonic, Yamaha và mới nhất là các trung tâm bách hoá lớn của AEON… minh chứng cho quá trình đầu tư vốn đã rất lâu dài và ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Thông tin ghi nhận tại buổi gặp gỡ lãnh đạo cấp cao đầu năm nay giữa hai nước, Nhật Bản duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA (với tổng vốn ODA đến nay gần 30 tỷ USD), thứ hai về lao động (với hơn 520.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và khoảng 22.000 người Nhật Bản tại Việt Nam), thứ 3 về đầu tư (với 5.304 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,4 tỷ USD) và thứ 4 về thương mại (với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2023 đạt 45 tỷ USD).
Chia sẻ với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt cho biết KEIDANREN và các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất. "Theo khảo sát của JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), trong trung và dài hạn, Việt Nam đang đứng thứ 2 trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhất", đại diện KEIDANREN cho hay.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm, Nhật bản đã rót hơn 1,2 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản là quốc gia đầu tư vào Việt Nam lớn thứ 3 trong tổng số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024.
Không chỉ bán lẻ, tiêu dùng, điện tử, tài chính… doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang mở rộng dòng vốn vào các mảng tiềm năng, trong đó có bất động sản.
Mới đây, Cosmos Initia - một doanh nghiệp Nhật Bản đã tuyên bố sẽ rót 150 triệu USD làm nhà ở vừa túi tiền ở Bình Dương – thành phố mới và đầy tiềm năng phía Nam, mục tiêu mỗi năm sẽ đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ.
Được biết, Cosmos Initia khởi đầu từ ngành bất động sản vào năm 1974 và từ đó đến nay đã phát triển rất nhiều dự án nhà ở tại Nhật Bản. Ngoài lĩnh vực phát triển nhà ở như chung cư cao tầng, nhà phố, nhà ở biệt lập, Cosmos Initia còn có các ngành dịch vụ như cung cấp giải pháp đầu tư; dịch vụ chỗ nghỉ… tại các quốc gia khác như Mỹ, Úc.
Tại Việt Nam, Cosmos Initia là thành viên Daiwa House Group - doanh nghiệp có bề dày 50 năm phát triển loạt dự án bất động sản cao cấp trên toàn cầu, hiện đang liên danh với TTCapital và Koterasu Group để phát triển dự án căn hộ TTS Avio ngay trung tâm Dĩ An, Bình Dương. Đây cũng là dự án đầu tiên của liên danh này có quy mô khoảng 2.000 căn hộ, diện tích khoảng 50-60m2/căn, giá dưới 35 triệu đồng/m2, tương đương dưới 2 tỷ đồng/căn.
Riêng Cosmos Initia, đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này tham gia thị trường bất động sản Việt Nam.
Trong buổi chia sẻ về chiến lược đầu tư của Nhật vào thị trường bất động sản Việt Nam, ông Shin Ogawa – Giám đốc Bộ phận vận hành nhà ở Cosmos Initia nhấn mạnh: "Chúng tôi đặt niềm tin rất lớn khi rót vốn đầu tư vào bất động sản vừa túi tiền tại Việt Nam".
Theo ông Shin Ogawa, trước khi rót vốn, doanh nghiệp đã tìm hiểu rất kỹ đối tác lẫn thị trường Việt. Dân số Tp.HCM có hơn 10 triệu người. Mặc dù vậy, lũy kế đến nay tổng nguồn cung các loại hình nhà ở khoảng 300.000 căn. Chưa kể, hai hoặc ba năm qua nguồn cung chỉ khoảng 10.000 căn. Con số này là rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở còn lớn.
Nếu chúng ta thử làm một phép so sánh đơn giản giữa Tp.Tokyo (Nhật Bản) và Tp.HCM (Việt Nam) nhận thấy, sự chênh lệch nguồn cung giữa hai thành phố là rất nhiều, ông Shin Ogawa. Thành phố Tokyo (Nhật Bản) có dân số 14 triệu người thì nguồn cung lũy kế đến nay là 2.000.000 căn. Chỉ trong một năm gần đây nhất, nguồn cung nhà ở đã đạt khoảng 20.000 căn. Điều này cho thấy, trên toàn thị trường Tp.HCM nguồn cung nhà ở đang bị thiếu hụt rất nghiêm trọng. Đây là cơ hội để phân khúc nhà ở vừa túi tiền phát triển mạnh về sức cầu tại Tp.HCM và khu lân cận trong tương lai.
Mặt khác, hiện nay quỹ đất để phát triển dòng căn hộ giá vừa túi tiền tại Tp.HCM ngày càng ít và khó thực hiện khi giá cả liên tục leo thang. Vì thế, Cosmos Initia ưu tiên các quỹ đất lân cận Tp.HCM như Bình Dương - vị trí phù hợp dễ dàng tiếp cận sức cầu ở khu vực Tp.HCM. Chưa kể, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp tham gia làm phân khúc nhà vừa túi tiền, điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Dẫu vậy, đa số các sản phẩm căn hộ vừa túi tiền hiện nay không có nhiều điểm nổi bật và đặc biệt. Do đó, việc rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam kì vọng sẽ mang đến những sản phẩm khác biệt trong phân khúc này.
"Liên danh chúng tôi nhắm đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhưng "vừa túi tiền" không có nghĩa là "bình dân". Cũng giống như việc bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm một món ăn rất ngon, rất đặc sản nhưng không có nghĩa là nó "đắt" vì khẩu phần của nó rất "hợp lý" với người dùng. Mọi thứ được "đo ni đóng giày" để mang lại trải nghiệm tốt nhất", ông Shin Ogawa nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp Nhật sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong vòng 5 năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ giá vừa túi tiền. Sau dự án đầu tiên này, liên doanh cho biết đang tìm kiếm và mua vào các quỹ đất để gối đầu. Trong đó, ưu tiên các quỹ đất tại tỉnh lân cận Tp.HCM đảm bảo được yếu tố về giá mềm và pháp lý dự án.
Về thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng đang dần ấm lên. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, lượt tìm kiếm bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 đang tăng dần sau khi "chạm đáy" vào cuối quý 4/2022 - đầu quý 1/2023 và trở nên rõ nét hơn từ đầu quý 1/2024 với sự biến động mạnh về mức độ quan tâm, đây cũng là đặc điểm mang tính chu kỳ của thị trường bất động sản. Tại các thị trường lớn như Hà Nội và Tp.HCM, hầu hết các loại hình bất động sản đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng tích cực trong 2 quý đầu năm nay.