Một số món ăn thuốc từ tam thất rất tốt cho sức khỏe

Mai Nguyên 22/09/2022 21:57

PLBĐ - Tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ôn; vào các kinh can và thận, tam thất có tác dụng chủ yếu là tán ứ, chỉ huyết, tiêu thũng, định thống, tư bổ cường tráng.

Theo TS. Nguyễn Đức Quang, tam thất còn có tên tiền tam thất, sâm tam thất, là rễ củ (trồng được 5-7 năm), phơi sấy khô của cây sâm tam thất (Panax notogingseng) (Burk.) F.H. Chen.), họ ngũ gia bì (Araliaceae). Ở nước ta có trồng ở Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn. Tam thất có các hợp chất saponoid (arasaponin, arasapogenin), tinh dầu, flovonoid, phytosterol, polysaccharid...

Tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ôn; vào các kinh can và thận, tam thất có tác dụng chủ yếu là tán ứ, chỉ huyết, tiêu thũng, định thống, tư bổ cường tráng. Dùng cho người xuất huyết dưới da và xuất huyết nội tạng, chấn thương đụng giập, khái huyết thổ huyết, tiện huyết, niệu huyết, rong kinh, rong huyết, bệnh lâu ngày cơ thể suy nhược, bệnh mạch vành, cơn đau thắt ngực, tăng mỡ máu... Tam thất đốt trúc mọc hoang có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chống viêm nhiễm, chấn thương, tụ máu. Liều dùng, cách dùng: 3 - 10g bằng cách nấu hầm, hãm, ngâm ướp.

Một số món ăn thuốc từ tam thất rất tốt cho sức khỏe - Ảnh 1.

Tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ôn; vào các kinh can và thận, tam thất có tác dụng chủ yếu là tán ứ, chỉ huyết, tiêu thũng, định thống, tư bổ cường tráng. (Ảnh: Internet).

Vậy tam thất có công dụng như thế nào?

Giảm nhẹ các bệnh lý tim mạch

Một trong những lợi ích của tam thất là có thể có hiệu quả như nitroglycerin (thuốc giãn mạch) trong điều trị bệnh động mạch vành. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, tam thất thường được sử dụng như một phương pháp thay thế cho thuốc giãn mạch này khi người bệnh gặp phải phản ứng phụ nặng nề trong quá trình dùng nitroglycerin như chóng mặt, nhức đầu và nhịp tim nhanh.

Ngoài ra, tam thất cũng được dùng cho những người bị kháng nitrat, nhóm thuốc dùng trong phòng ngừa và điều trị đau thắt ngực.

Ngăn ngừa tổn thương não do xuất huyết nội sọ

Tam thất chứa các hợp chất hoạt tính được gọi là saponin, có tác dụng chống ung thư, chống viêm, chống vi khuẩn, giảm cholesterol và điều hòa miễn dịch.

Ngoài ra, chiết xuất tam thất còn có tác dụng làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng bầm tím ở não (tụ máu) hoặc sưng tấy (phù nề) ở những người bị chảy máu não.

Giảm đau hiệu quả

Tam thất có thể được sử dụng để làm giảm tất cả các loại đau đớn về thể chất do khí huyết ngưng trệ bằng cách làm sạch cục máu đông, tăng lưu lượng máu, giảm viêm và sung tấy.

Một số món ăn thuốc từ tam thất rất tốt cho sức khỏe - Ảnh 2.

Tam thất giúp giảm đau hiệu quả (Ảnh: Internet).

Thúc đẩy việc chữa lành vết thương và vết cắt

Các ghi chép về sự kết hợp của y học cổ truyền Trung Quốc và phương Tây đã ghi lại cách sử dụng tam thất trong việc điều trị các chứng chảy máu khác nhau, bổ sung máu và tăng cường sinh lực.

Ngoài ra, sử dụng tam thất còn có tác dụng loại bỏ mô hoại tử và kích thích hình thành mô mới tại vùng vết thương.

Hỗ trợ hồi phục sau sinh cho phụ nữ

Tam thất có tác dụng vào phần âm huyết để cầm máu, tiêu máu cục và bổ máu nên rất tốt cho chị em phụ nữ sau sinh bị mất máu nhiều, giúp chị em nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Một số món ăn thuốc từ tam thất

TS. Nguyễn Đức Quang cũng đưa ra một số món ăn thuốc từ tam thất như sau:

Gà hầm tam thất: gà mái (khoảng 1kg) hoặc gà ác (ô cốt kê) 1 con, tam thất 20g. Gà làm sạch, tam thất tán bột cho vào bụng gà; hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị cho ăn. Thích hợp cho người suy nhược cơ thể, khí huyết hư, ăn kém, mệt mỏi, da tái nhợt thiếu máu.

Canh tam thất trứng gà tây thảo mai mực: trứng gà 2 quả, tam thất 3g, mai mực 20g, tây thảo 10g. Trứng khoét lỗ nhỏ, tam thất tán bột cho vào 2 quả trứng (chia đều) bịt kín lỗ khoét. Nấu cùng mai mực, tây thảo và lượng nước thích hợp. Khi trứng chín, bỏ vỏ trứng, ăn trứng và uống nước canh. Dùng tốt cho chị em kinh nguyệt kéo dài 8 - 10 ngày, lượng ít, rỉ rả, có máu cục, đau quặn.

Gà giò hầm tam thất quế chi: gà giò hoặc gà ác 1 con, quế chi 6g, tiểu hồi 6g, bột tam thất 3g. Gà làm sạch, chặt miếng, nấu với quế chi, tiểu hồi cho chín nhừ, thêm gia vị, ăn thịt gà, uống nước canh với bột tam thất. Ngày 1 lần, đợt dùng 5 - 10 ngày. Dùng tốt cho chị em bị viêm tử cung phần phụ.

Rượu hầm tam thất ngó sen trứng gà: tam thất 3g, nước ép ngó sen 200ml, rượu nhạt 150ml, trứng gà 1 quả. Tam thất tán mịn, đập bỏ vỏ trứng, trộn nước ép ngó sen và rượu, đun cách thủy cho chín. Dùng cho người thổ huyết, khái huyết tiện huyết, xuất huyết dạ dày ruột. Ngày ăn 1 lần.

Tam thất tán: tam thất tán bột; mỗi lần uống 4 - 6g cùng với nước hồ hoặc chút rượu. Dùng cho người kiết lỵ đại tiện xuất huyết, chấn thương đụng giập, sưng nề.

Lưu ý:

Một số trường hợp như người bị cảm mạo, phụ nữ có thai, người mẫn cảm với tam thất, trẻ vị thành niên, phụ nữ trong giai đoạn hành kinh, người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu... không nên dùng tam thất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một số món ăn thuốc từ tam thất rất tốt cho sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO