Một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong do kháng kháng sinh

24/11/2024 16:19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Dự báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, thậm chí các bệnh thông thường như ho, hay chỉ một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong.

Sốc khi kháng sinh mất tác dụng

"Bác sĩ bảo làm cấy khuẩn và kháng sinh đồ xong thì thấy mẹ tôi đã kháng gần hết các loại kháng sinh. Giờ bệnh viện chỉ còn loại thuốc là zavicefta, nếu gia đình đồng ý điều trị thì hết khoảng 9 triệu đồng/ngày. Giờ tôi không biết lấy tiền đâu để điều trị cho mẹ", chị Hoàng Thị Ngân (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói trong nước mắt.

Mẹ của chị Ngân, bà Nguyễn Thị Hoa, 65 tuổi, bị tai biến mạch máu não, nhập viện điều trị được một tuần thì xuất hiện tiêu chảy liên tục. Sau khi làm các xét nghiệm thì bà Hoa được xác định bị nhiễm vi khuẩn acinetobacter baumannii. 

Đây là loại vi khuẩn kháng với hầu hết các loại kháng sinh và rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân bị suy giảm hoặc có bệnh mạn tính như bà Hoa. 

"Tôi thật sự rất sốc, dù phải bán nhà bán cửa cũng sẽ cố gắng để điều trị cho mẹ. Bác sĩ nói tình trạng của mẹ tôi phải dùng đến kháng sinh thế hệ mới nhưng chưa chắc là có đáp ứng được hay không", chị Hoa tâm sự.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện 198 (Bộ Công an), khoa thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh, có bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. 

"Khoa là nơi tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng vào điều trị. Điều đáng buồn và lo lắng nhất của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế là những bệnh nhân nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Đây là nhóm bệnh nhân dễ nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc nhất. 

Có khoảng 40% bệnh nhân điều trị ở đây bị kháng kháng sinh. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện vì một bệnh khác nhưng do kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch, tử vong do nhiễm trùng", bác sĩ Thuỷ chia sẻ.

Một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong do kháng kháng sinh- Ảnh 1.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 198 (Bộ Công an)

Còn theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tại đây có những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc đã phải dùng đến kháng sinh thế hệ thứ 5 là Zerbaxa. 

"Có những bệnh nhân vào viện trong bệnh cảnh nguy kịch, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, suy thận, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá. Điều đáng lo ngại là họ đã bị kháng với hầu hết các loại kháng sinh. 

Kháng sinh thế hệ thứ 5 là loại "vũ khí" cuối cùng mà chúng tôi có, dùng để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có trường hợp, bác sĩ đành bó tay vì bệnh nhân không còn đáp ứng được với loại thuốc kháng sinh nào nữa", bác sĩ Dũng nói.

Cần thay đổi thói quen dùng thuốc

Theo thống kê, tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40% - 60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), tỉ lệ bệnh nhân đa kháng thuốc trên bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện cao là khoảng 70%-75%.

"Có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được cha mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý", PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Số bệnh nhân bị kháng kháng sinh cũng tăng mạnh theo. Tại Việt Nam đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Có nhiều yếu tố đẩy nhanh mối đe dọa kháng thuốc, trong đó đặc biệt phải kể đến việc sử dụng quá mức và không hợp lý.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho rằng, điều đáng lo ngại là trong gần 30 năm trở lại đây, rất ít kháng sinh được tạo ra. Sự phát triển các vi trùng kháng thuốc ngày càng mạnh làm cho việc phòng kháng kháng sinh trở nên khó khăn hơn. 

"Thuốc kháng sinh thế hệ 5, loại kháng sinh mới nhất, ở Việt Nam cũng chỉ có một vài bệnh viện có và đây là loại thuốc chưa được bảo hiểm chi trả. Vi khuẩn đa kháng thuốc có thể phá huỷ các bộ phận của cơ thể, khiến nhiễm trùng trở nên dai dẳng, khó điều trị dứt điểm. 

Mỗi bệnh nhân bị kháng kháng sinh thường có chi phí điều trị rất cao, lên đến hàng tỉ đồng mà chưa chắc đã cứu sống được. Vì vậy, người dân mỗi khi ốm đau cần đến cơ sở y tế có uy tín để thăm khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh. Nếu không, hậu quả sẽ rất khó lường", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tuần lễ thế giới nhận thức về kháng kháng sinh diễn ra từ ngày 18 đến 24/11/2024.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần.

Bộ Y tế vừa xây dựng "Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024-2025", phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ các bệnh viện triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30%, thiết lập hệ thống giám sát quốc gia sử dụng và tiêu thụ kháng sinh.

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mot-vet-cat-tren-da-cung-co-the-gay-tu-vong-do-khang-khang-sinh-172241123072001881.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mot-vet-cat-tren-da-cung-co-the-gay-tu-vong-do-khang-khang-sinh-172241123072001881.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong do kháng kháng sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO