Sắm được chiếc áo, cái váy mới, Thùy Chi, 30 tuổi, Hà Nội không bao giờ mặc ngay, giấu đồ một thời gian để tránh bạn đời nhìn thấy.
Chi thường thử các món đồ đã đặt online rồi để chúng ở tủ, ngăn kéo tại công ty hoặc nhà mẹ đẻ thay vì mang về nhà ngay. Có nhiều bộ quần áo còn nguyên tag được Chi giấu vài năm ở công ty vì mặc thử thấy không đẹp. "Nhiều lúc các tủ ở văn phòng của tôi chật kín vì đống quần áo", cô nói. Đây là chiến thuật mua sắm mà Chi dùng nhiều năm nay để tránh bị chồng phàn nàn.
Chi cho biết 8 năm nay, chồng ngày càng hiểu rõ thói quen mua sắm "vung tay quá trán" của cô. Nhiều lần, anh thấy Chi vứt xó đáy tủ một loạt đồ vì quên hoặc lúc đem ra mặc không còn vừa, lỗi mốt, không ưng. Nhưng Chi cũng không đem cho, không thanh lý. Vì vậy, tranh cãi giữa hai vợ chồng thường xuyên xoay quanh vấn đề mua sắm. Anh than phiền, thẳng thắn nói Chi cần mua sắm có tính toán hơn thay vì hứng lên rồi mua về mà không mặc. Nhưng tính Chi vẫn "đâu lại hoàn đó".
Một kiểu lén lút mua sắm khác của Chi là tranh thủ lúc chồng đi ăn ngoài với bạn, cô sẽ dùng thẻ visa của anh để mua sắm. Chi kể: "Đến sáng hôm sau chồng vào xem tin nhắn thấy báo bị trừ tiền mới biết chuyện. Nhưng vì chuyện đã xong nên anh đành bỏ qua cho tôi".
"Mỗi tháng, tôi trích khoảng 6 triệu đồng tiền lương để cùng chồng đóng học phí cho con, phần còn lại tôi giữ để mua sắm cho mình. Nhưng kể cả sắm đồ bằng tiền mình kiếm được, tôi vẫn phải giấu chồng vì sợ anh cằn nhằn", 9X cho hay. Cô thường đợi ngày chồng đi công tác mới lẳng lặng đem đồ từ công ty, nhà mẹ đẻ về giấu trong góc tủ quần áo ở nhà riêng, chờ dịp lôi ra mặc, có khi từ nửa năm đến một năm.
"Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra", khi thấy Chi mặc quần áo mới, chồng cô hỏi: "Em lại lén lút mua lúc nào đấy?", "Lần nào anh cũng thấy em bảo mua nốt nhưng không bao giờ dừng". Những lúc kinh tế gia đình căng thẳng hơn, chồng nhắc nhở cô: "Nhà còn nhiều khoản phải chi tiêu, em không được mua linh tinh nữa". Có dạo, chồng yêu cầu Chi "thắt lưng buộc bụng", phải gửi hết tiền lương cho anh quản lý. Vì vậy, vài tháng liền, Chi không mua quần áo. Nếu muốn mua gì, cô sẽ phải hỏi chồng để anh chuyển tiền.
Giống chồng Chi, Tuấn, 35 tuổi, cũng đau đầu vì chuyện mua sắm của vợ. Hoàng Ly, vợ anh là một người nội trợ toàn thời gian. Kể từ khi các con bắt đầu học tiểu học cách đây hai năm, Tuấn nhận thấy vợ ngày càng nghiện mua sắm. "Tôi là doanh nhân, tài chính ổn, chi tiêu trong gia đình tôi đều gánh vác. Thỉnh thoảng tôi sẽ đưa cho vợ một ít tiền tiêu vặt. Nếu không đủ, cô ấy cũng có vài chiếc thẻ tín dụng và tôi thường kiểm tra chúng vào cuối tháng", anh nói.
Mấy tháng đầu Tuấn không để ý lắm, chỉ cảm thấy ở nhà có nhiều chuyến chuyển phát nhanh hơn và việc vợ mua đồ là chuyện bình thường. Nhưng sau đó, số tiền vợ chi cho mua sắm tăng từ 1-2 triệu đồng lên 30-40 triệu đồng mỗi tháng. Ly đã thấu chi thẻ tín dụng của Tuấn để mua đồ. "Điều đầu tiên cô ấy làm khi mở mắt là cầm điện thoại. Vợ tôi sợ bỏ lỡ những đợt giảm giá. Đến lúc ngủ, cô ấy vẫn lướt TikTok, các gian hàng hiệu để săn sale", Tuấn nói.
Tuấn cho biết anh không thấy vấn đề gì nếu vợ sắm nhu yếu phẩm hàng ngày, nhưng trong số đó có nhiều túi xách, mỹ phẩm, quần áo. Vì chuyện này diễn ra khoảng nửa năm liền, khiến nhà chất đầy đồ không dùng tới, Tuấn đã nói chuyện với vợ, "tịch thu" thẻ tín dụng. Anh cũng cùng vợ thanh lý bớt đồ không dùng tới.
Sau khoảng ba tháng, Tuấn nghĩ mọi chuyện đã ổn nhưng hóa ra không. Ly vay mượn tiền của bạn bè, vợ đồng nghiệp của Tuấn để mua sắm. Đến khi đồng nghiệp nói, Tuấn mới biết chuyện. "Vợ tâm sự sau khi con vào tiểu học, cô ấy bỗng có rất nhiều thời gian rảnh. Ngoài ra, vì tôi bận rộn và thường xuyên ra ngoài giao lưu, chỉ có mình vợ ở nhà nên không biết phải làm gì. Vợ nói: 'Em hạnh phúc nhất khi đặt hàng và nhận được dịch vụ chuyển phát nhanh. Nhưng khi nhận được thứ gì đó, em cảm thấy trống rỗng nên mới muốn mua sắm nữa'", Tuấn kể.
Để giúp vợ, Tuấn tính đưa Ly đến chỗ chuyên gia tâm lý để xem cô có mắc chứng nghiện mua sắm hay không. Anh cũng đang dành thêm thời gian cho cô thay vì đi ăn uống, giao lưu, khuyến khích cô tìm một sở thích để theo đuổi, tập thể thao để cuộc sống thêm ý nghĩa.
Trên Wall Street Journal, Cali Estes, một chuyên viên tư vấn tâm lý tại Miami, Mỹ, chuyên điều trị các hành vi nghiện mua sắm và tích trữ đồ đạc, cho biết xu hướng mua sắm lén lút ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Bà cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là liên quan đến những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. "Khi bạn thấy ai đó nổi tiếng đang ủng hộ một thứ gì đó, bạn sẽ cảm thấy mình muốn mua nó bằng mọi cách, dù không có đủ tiền đi nữa", chuyên gia nói.
Estes khuyến nghị các cặp nên dành cho nhau một khoản tiền cố định để mua sắm mà không cần hỏi ý kiến người còn lại. "Theo cách này, bạn có thể mua những gì bạn muốn, miễn là số tiền nằm trong giới hạn đã được đặt ra", bà nói.
Ngay cả với những cặp có tài chính dồi dào, theo bà, những lời nói dối về việc mua sắm cũng có thể làm các mối quan hệ rạn nứt. "Nửa kia của bạn sẽ nói: 'Nếu chỉ mua một đôi giày mà anh còn nói dối thì có gì mà anh không lừa tôi được?'", Estes cảnh báo.
Theo trang Verywellmind, để đánh giá xem hành vi mua sắm đang gây nghiện cho bạn hay không sẽ phụ thuộc vào các khía cạnh sau:
- Luôn luôn nghĩ về những thứ bạn dự định mua
- Không thể dừng việc mua sắm
- Trải nghiệm cảm giác hưng phấn tột độ sau khi mua được thứ gì đó
- Cảm thấy hối tiếc hoặc tội lỗi về những thứ bạn đã mua
- Có các vấn đề tài chính hoặc không có khả năng trả nợ
- Nói dối về những thứ mình đã mua hoặc che giấu việc mua hàng
- Mở thẻ tín dụng mới trong khi chưa trả hết tiền nợ thẻ hiện có
- Mua những thứ mình không cần
- Mua sắm khi thấy căng thẳng hoặc buồn
Nghiện mua sắm có thể bao gồm việc chi tiêu bốc đồng, tạo ra cảm giác hưng phấn tạm thời. Những người nghiện mua sắm thường cảm thấy trống rỗng và không hài lòng với những gì họ mua khi về nhà. Điều này kéo dài trên một năm dễ gây ra thiệt hại về kinh tế, các mối quan hệ xã hội cũng bị tổn hại, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường, công việc, học tập... Để giải quyết tình trạng này, người nghiện mua sắm cần được gia đình, cộng đồng giúp đỡ, gặp gỡ chuyên gia, bác sĩ tâm lý. Nếu cần, có thể sử dụng phương pháp điều trị hỗ trợ bằng thuốc.
>> 14 mẹo tiết kiệm giúp bạn kiểm soát ham muốn mua sắm
Hằng Trần