Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ (Hình từ internet)
Mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ giai đoạn 2023 - 2025 như sau:
(1) Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Giai đoạn 2023 - 2025:
+ Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư. Trong đó, tập trung xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân sửa đổi.
+ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư.
+ 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
+ 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
+ 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân được lưu trữ điện tử với số định danh cá nhân là một thông tin bắt buộc phục vụ cho kết nối, chia sẻ, tái sử dụng.
+ 50% mẫu đơn, tờ khai có thông tin công dân được chuẩn hóa thống nhất theo yêu cầu từ dữ liệu gốc của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
+ Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cấp căn cước công dân.
+ Tối thiểu 50% thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư được cắt giảm, đơn giản hóa so với thời điểm ban hành quyết định này.
+ 90% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
+ 100% hồ sơ về dân cư được tạo, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
+ Hoàn thành việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống quản lý án điện tử của Tòa án nhân dân để xác minh định danh điện tử đối với thông tin liên quan đến đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng hoặc xác minh thông tin chứng cứ của vụ án phục vụ cho hoạt động của Tòa án điện tử.
- Giai đoạn 2025 - 2030:
+ 70% mẫu đơn, tờ khai có thông tin công dân được chuẩn hóa thống nhất theo yêu cầu từ dữ liệu gốc của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
+ 100% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp bộ, tỉnh; 100% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc liên quan đến quản lý dân cư tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
+ Hoàn thiện các thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số về dân cư theo tình hình thực tiễn, chú trọng phổ biến pháp lý liên quan đến các sáng kiến quản lý nhà nước.
+ Hoàn thiện hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chi cần cung cấp, số hóa một lần, với việc khai thác có hiệu quả định danh điện tử của hệ thống định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp.
+ Duy trì, phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng thông tin, các ứng dụng dịch vụ, dữ liệu liên quan đến dân cư.
+ Hoàn thiện, mở rộng các công cụ phân tích dữ liệu đa chiều trực quan hóa, báo cáo, tổng hợp, thống kê, các báo cáo động phục vụ chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định hoặc đề xuất thay đổi chính sách liên quan đến dân cư.
+ Tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động hợp tác, đa dạng hóa nguồn lực trong xây dựng, phát triển và cung cấp các ứng dụng dịch vụ liên quan đến dân cư.
+ Tiếp tục tổ chức triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tập trung đào tạo lực lượng chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai phá dữ liệu sử dụng các công nghệ mới như Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo.
+ Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ưu tiên các đề tài nghiên cứu ứng dụng có kết quả, sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển, ứng dụng dữ liệu về dân cư.
+ Tiếp tục cập nhật đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, phổ cập kỹ năng số đối với các tiện ích, dịch vụ liên quan đến dân cư cho mọi thành phần xã hội.
+ Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư do Bộ Công an trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và phục vụ giao dịch dân sự, kinh tế.
(2) Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
- Giai đoạn 2024 - 2025: Hoàn thiện hệ sinh thái các ứng dụng số, tiện ích cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức doanh nghiệp bảo đảm dữ liệu dân cư được xác thực thông qua việc định danh và xác thực thông tin dân cư mức độ định danh có đảm bảo yếu tố sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
- Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục duy trì vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử; mô hình định danh xác thực điện tử bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị ký số điện tử, hợp đồng điện tử, định danh điện tử tạo nên nền tảng chính phủ số với giá trị mới được tạo ra phục vụ công dân số.
(3) Nhóm tiện ích phục vụ công dân số
- Giai đoạn 2023 - 2025:
+ Phấn đấu đạt trên 40 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.
+ Đảm bảo 100% các giao dịch của Công dân số được định danh, ký số, xác thực, các hợp đồng điện tử được định danh, ký số.
- Giai đoạn 2025 - 2030:
+ Phấn đấu đạt trên 60 triệu tài khoản người dùng trên ứng dụng VNEID và xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.
(4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư
- Năm 2022: Bảo đảm 100% dữ liệu công dân được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cấp số định danh cá nhân và được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong độ tuổi.
Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Quyết định 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ góp phần làm giàu dữ liệu dân cư, trong đó:
+ Tạo nền tảng để các lĩnh vực gần, sát với công dân sử dụng được nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục trong khi chưa có hạ tầng nhu lĩnh vực tư pháp, lao động thương binh xã hội...
+ Tập trung hoàn thành kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có để “làm sạch” đảm bảo giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi.
+ Đối với bộ, ngành đang triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu cần trao đổi, thống nhất với Bộ Công an trong việc triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để triển khai đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
- Năm 2023 và các năm tiếp theo: Bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thông suốt, hoạt động hiệu quả.
(5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp
Năm 2023 và các năm tiếp theo: Tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để làm giàu dữ liệu dân cư nhằm tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội; đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân, nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp.