Chủ nhà máy rác Nam Giang (huyện Nam Trực, Nam Định) cho rằng: "Tôi chưa nói nhà máy rác làm chuẩn đúng nhưng nhà máy đã cải thiện tình trạng đáng kể tại nơi tập trung của thị trấn Nam Giang. Từng bước nhà máy sẽ xử lý rác sao cho ra thành phẩm chứ không phải đổ bừa bãi, đốt hoặc vứt đi như bây giờ".
Liên quan đến sự việc dự án nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang (nhà máy rác Nam Giang) xây dựng trên đất thuộc địa điểm giao nhau giữa thị trấn Nam Giang và xã Nghĩa An (huyện Nam Trực, Nam Định) đang khiến người dân ngày đêm bất an về sức khỏe, ngày 2/8/2024, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Vũ Văn Pha - Giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường xanh Nam Trực (chủ nhà máy) than do bị tỉnh ép xử lý rác thải sinh hoạt, không đủ diện tích để xây dựng thêm dây chuyền và do người dân vô ý thức.
"Rác thải sinh hoạt đến nhà máy sẽ được phân loại theo từng quy trình như: ra sản phẩm tái chế, mùn hữu cơ rồi làm phân vi sinh, hóa gạch ba vanh. Tuy nhiên, tất cả quy trình này, chúng tôi không có đất để xây dựng các xưởng sản xuất nên dẫn đến nhà máy hoạt động không đầy đủ công năng. Tồn dư của xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều nên mới thế.
Chúng tôi không đủ mặt bằng để xây dựng nơi sản xuất phân hữu cơ thì hiển nhiên mùn hữu cơ đang chôn lấp vậy thôi. Tất cả rác không thể đưa vào nhà máy được. Nhiều người dân thì vô ý thức, 1.000 thứ trên đời ném vào. Rác vậy máy nào chịu được và lò nào đốt được các loại rác đấy" - ông Pha lý giải việc rác được tập kết và chôn lấp như "núi".
"Ngoài ra, vị giám đốc nhà máy rác Nam Giang cho rằng, các đống rác để lộ thiên do trước kia đơn vị phủ bạt loại thường nhưng bị mục rách mới như thế. Vừa qua nhà máy rác đã thực hiện phủ bạt mới, thời điểm báo chí ghi nhận, đơn vị đang thực hiện và sẽ đóng cửa từng phần.
"Hình ảnh báo chí ghi nhận rác tràn ra ngoài dường như là vô lý vì phần bờ rác mấy năm nay đã như vậy. Tất cả rác không thể trôi ra được vì nhà máy đã cô lập lại. Tất nhiên, rác ở nhà máy có thể bay ra thì chúng tôi sẽ cho nhặt, thu gom gọn lại" - ông Pha nói về việc rác tràn ra ngoài phạm vi nhà máy.
Về việc nước thải ngầm tràn ra ruộng, kênh mương tưới tiêu, vị chủ nhà máy rác Nam Giang phân trần: "Thứ nhất, phần nước thải nằm trong nội khu xử lý của nhà máy có đường thu gom và hệ thống xử lý tập trung. Tuy nhiên, báo chí đang phản ánh nước thải của nguồn rác chôn lấp, bản chất của nó không có đường nước thải thu gom nên chưa có đủ cơ sở hạ tầng xử lý. Đơn vị chúng tôi đang vướng mắc việc giao đất, vậy nên để thực hiện các thủ tục tiếp theo chưa có đủ hạ tầng để làm. Đơn vị chúng tôi đã được UBND huyện Nam Trực ra văn bản ngừng các hoạt động xây dựng từ năm 2019, đến nay chưa thực hiện.
Thứ hai, do tồn tại từ bãi rác từ trước đó. Khi nhà máy rác Nam Giang của chúng tôi nhận bàn giao, ban đầu là khu chôn lấp rác tập trung tự phát nên đổ bừa bãi. Tức là tồn tại hiện nay của quá khứ chứ không phải do chúng tôi gây nên. Toàn bộ diện tích nhà máy xử lý chất thải tọa lạc 100% trên bãi rác đã chôn lấp trước kia, không có một m2 nào đất sạch. Nếu không phải những gì tồn tại trong quá khứ đơn vị tôi không thể tồn tại đến ngày nay".
Ông Pha nói thêm: "Về ý kiến của dân và dư luận người ta nói không sai nhưng chỉ đúng 1 phần nào đó. Tinh thần chung việc xử lý rác thải của cả thế giới giới và Việt Nam, đặc biệt nhất ở Nam Định, vô cùng khó khăn, không thuận lợi gì.
Trong 63 tỉnh thành, Nam Định là tỉnh duy nhất đến bây giờ chưa chi trả được kinh phí cho các đơn vị xử lý rác thải. Cái nữa, rác ở thị trấn Nam Giang rất nhiều nhưng ý thức của người dân cực kém".
Theo ông Pha cho biết: "Thời gian qua, nhà máy đã nỗ lực hết mình và cải thiện đáng kể tình trạng tại khu xử lý tập trung như hiện nay. Ngày trước, khi nhà máy rác Nam Giang chưa tiếp quản, rác thải trải dài khoảng 300 - 500m ở đường đê, ruồi muỗi đầy đường. Người dân đi qua không thể đi qua khu vực rác vì mùi hôi, ruồi muỗi đầy và rác không được đổ đúng theo trật tự. Người dân thị trấn Nam Giang và làng Bãi Hạ (xã Nghĩa An) chỉ kiến nghị về rác.
Tôi chưa nói nhà máy rác làm chuẩn, đúng nhưng nhà máy đã cải thiện tình trạng đáng kể tại nơi tập trung của thị trấn Nam Giang. Từng bước nhà máy sẽ xử lý rác sao cho ra thành phẩm chứ không phải đổ bừa bãi, đốt hoặc vứt đi như bây giờ. Đấy mới là cái đang gây ô nhiễm. Chẳng qua hiện tại đang vướng về nhiều cơ chế chính sách".
Theo ông Pha, hiện nay công ty đang thực hiện và trình chủ trương mở rộng dự án nhà máy rác Nam Giang và các thủ tục sắp hoàn thiện.
Tuy nhiên, khi được PV hỏi đến việc thu gom rác trên địa bàn, đơn vị có tham gia đấu thầu để nhận rác không, ông Pha lớn giọng và hướng PV hỏi nên tỉnh Nam Định mới biết rõ.
Xin trích nguyên văn lời ông Vũ Văn Pha - Giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường xanh Nam Trực: "Việc thông qua đấu thầu, em (PV) hỏi tỉnh hộ tôi cái. Bây giờ đang không có người thu gom rác lại phải đi đấu thầu làm gì nữa. Giờ ai nhảy vào thì thu gom thoải mái, không phải đấu thầu làm gì cả. Tôi đang bị ghép cho làm, giờ cấm xử lý rác thải sinh hoạt mới thích.
Bây giờ bắt nhà máy của tôi đóng cửa không hoạt động xử lý nữa là ok. Không cho ông Pha xử lý rác thải sinh hoạt nữa tôi làm cỗ ăn mừng cả họ luôn. Chẳng ai muốn xử lý rác thải sinh hoạt cả, giờ tôi đang tái chế để nuôi thêm phần xử lý rác. Người ta bắt tôi làm, đơn vị chẳng làm thêm, giờ còn bắt đấu thầu nữa,... Nhà máy Nam Giang không phải một đơn vị đốt rác. Rác thu gom về đang phải mất thêm tiền để đốt cho dân".
Trước đó, Gia đình và Xã hội đã có nội dung phản ánh gần 10 năm nay, người dân sinh sống ở thôn Đồng Côi, thị trấn Nam Giang và thôn Bái Hạ, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định sống trong sợ hãi bởi mùi nồng nặc từ bãi rác lộ thiên, khói khét xả ra từ lò đốt từ nhà máy xử lý rác Nam Giang. Sau khi bài báo đăng tải, Phó Chủ tịch thưởng trực UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan chức kiểm tra những thông tin báo nêu.
Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.
Mới đây, ngày 29/7/2024, ông Trần Duy Tùng - Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Nam Định ký văn bản số 749/VPUBND-VP3 truyền đạt ý kiến của ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh về việc hoạt động của nhà máy xử lý rác Nam Giang (huyện Nam Trực) gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Văn bản nêu rõ: "Theo phản ánh, thời gian gần đây, hoạt động của Nhà máy rác Nam Giang, huyện Nam Trực gây ô nhiễm môi trường, san lấp rác tràn lan ra đất ruộng của người dân, số lượng nước thải cũng tràn ra ruộng, kênh mương nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái.
Vào ban đêm, nhà máy đốt 02 ống xả khói đen mù mịt và có mùi khét đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống khu vực xung quanh".
Trước sự việc này, đồng chí Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo: "Giao UBND huyện Nam Trực chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét và xử lý dứt điểm tình trạng trên (nếu có). Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh Nam Định trước ngày 16/8/2024".