Gần đây, hai doanh nghiệp từ Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án dệt và nhuộm bởi Ban Quản lý Khu công nghiệp Nam Định.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect đánh giá, CTCP May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH) - doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 2 về vốn hóa trong ngành dệt may có nhiều thuận lợi để trở thành cái tên dẫn đầu ngành.
NẰM TẠI "CÁI NÔI" CỦA NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM
Theo VNDirect, các khu vực sản xuất của May Sông Hồng đều nằm ở Nam Định - cái nôi của ngành dệt may Việt Nam. Các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sản xuất dệt may tại đây rất phát triển bao gồm sản xuất nguyên liệu (bông, sợi, dệt, nhuộm), vật liệu phụ trợ (kim, chỉ, cúc, khóa kéo, ren, ...); phụ kiện (chìa khóa, ghim, hạt, sequin, ...) và sản xuất máy móc thiết bị (bao gồm máy thêu, máy overlock, máy đục lỗ, máy cúc,..).
Nam Định hướng tới việc trở thành trung tâm dệt may tại miền Bắc. Hiện tại, tỉnh này đang thu hút các nhà đầu tư vào ngành dệt may, đặc biệt là các dự án CNHT sản xuất dệt may như sản xuất vải. Gần đây, hai doanh nghiệp từ Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án dệt và nhuộm bởi Ban Quản lý Khu công nghiệp Nam Định.
Ngoài ra, một số dự án dệt và nhuộm của các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm 2024 tại Khu công nghiệp Aurora (Nghĩa Hưng, Nam Định).
Sự phát triển này phù hợp với định hướng của Chính phủ nhằm nâng cao khả năng tự cung tự cấp của ngành dệt may Việt Nam. Theo “Chiến lược Phát triển Ngành Dệt May và Da giày Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035” được chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may sẽ đạt 51% - 55% trong giai đoạn 2021-2025. Con số này sẽ tăng lên mức 56% - 60% trong giai đoạn 2026-2030, so với mức 47-50% hiện tại.
VNDirect kỳ vọng rằng việc thúc đẩy đầu tư vào sản xuất vải tại Nam Định sẽ giải quyết các “điểm nghẽn” trong cung ứng vải.
Ngoài ra, sự hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn sẽ thúc đẩy đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải một các toàn diện và tập trung với công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.
Điều này sẽ mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp dệt may tại Nam Định, bao gồm cả May Sông Hồng.
May Sông Hồng đang nỗ lực để xây dựng một nhà máy tiêu chuẩn và yêu cầu của một nhà máy thân thiện môi trường. Nhà máy mới Xuân Trường được đầu tư nhiều nhất vào công nghệ, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, với mục tiêu trở thành một nhà máy xanh công nghệ cao.
Các giải pháp bao gồm việc sử dụng ánh sáng tự nhiên, đèn LED và trồng cây xung quanh khu vực sản xuất. Hơn nữa, May Sông Hồng đang chuyển từ việc sử dụng lò hơi chạy bằng than sang lò hơi điện tại các nhà máy Sông Hồng 7 và Sông Hồng 9, và sẽ tiếp tục cải tiến tại các khu vực sản xuất khác.
VNDirect cho rằng May Sông Hồng sẽ trở thành DN tiên phong trong công cuộc đầu tư sản xuất bền vững nhờ vào nền tảng tài chính vững mạnh và tham vọng dẫn đầu của mình. CTCK này cũng kỳ vọng rằng May Sông Hồng sẽ nhận được nhiều đơn hàng FOB hơn từ các khách hàng hiện tại.
Các đối tác của May Sông Hồng dự phóng doanh thu sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2024- 2025. G-III và Columbia Sportswear kỳ vọng doanh thu sẽ cải thiện 3-5% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024-2025 sau khi giảm năm 2023.
Ngoài ra, VNDirect cho rằng MSH có khả năng hưởng lợi từ việc các khách hàng hiện tại nỗ lực giảm sự phụ thuộc cung ứng vào Trung Quốc. G-III, một trong những khách hàng lớn của May Sông Hồng, cho biết hiện tại họ ưu tiên các đối tác Việt Nam hơn là Trung Quốc.
Năm 2023, các sản phẩm mua từ Việt Nam chiếm 31,4% trong
tổng tồn kho của G-III, tăng từ 24,6% vào năm 2020, trong khi các sản phẩm mua từ Trung Quốc chiếm 37,6% trong tổng tồn kho của G-III vào năm 2023, giảm từ 49,5% vào năm 2020.
Theo thông tin từ VNDirect, nhà máy Xuân Trường II được khởi công xây dựng vào quý 4/2023 và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Nhà máy có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, diện tích 9,6 ha, bao gồm 3 nhà máy, 1 nhà kho và 1 nhà máy cắt.
Toàn bộ nhà máy có 50 chuyền may, công suất thiết kế dự kiến 30 triệu sản phẩm/năm. HĐQT kỳ vọng nhà máy sẽ hoạt động 50% công suất vào năm 2025, đóng góp 700 tỷ đồng vào tổng doanh thu và sẽ hoạt động 100% công suất từ năm 2027, đóng góp 1.500 tỷ đồng, tương đương 25% doanh thu hiện tại.
Khi nhà máy mới hoạt động hết công suất, quy mô sản xuất của May Sông Hồng sẽ đạt 255 chuyền may, khoảng 15.000 lao động, tăng 32% công suất thiết kế so với hiện tại.
Tuy nhiên, tính đến cuối quý 2/2024, VNDirect ước tính May Sông Hồng chỉ giải ngân tổng cộng 50 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng của nhà máy. CTCK này cho rằng tiến độ triển khai sẽ chậm hơn so với kế hoạch của công ty và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 3/2025.
VNDirect ước tính nhà máy mới sẽ đóng góp khoảng 250 tỷ đồng, tương đương 5% tổng doanh thu trong năm 2025. CTCK này cỹbg vọng nhà máy Xuân Trường sẽ hoạt động với công suất 100% vào năm 2028, tạo ra doanh thu 1.500 tỷ đồng, tương đương 19% tổng
doanh thu trong năm 2028.
VNDirect kỳ vọng giá xuất khẩu hàng may mặc sang Hoa Kỳ sẽ cải thiện nhẹ 2% svck năm 2024 và sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn năm 2025 khi lạm phát hạ nhiệt. Ban Lãnh đạo MSH cũng có quan điểm tương tự, họ kỳ vọng giá đơn hàng xuất khẩu tăng nhẹ năm 2024 và phục hồi vào năm 2025.
Ngoài ra, VNDirect còn cho rằng chi phí nguyên vật liệu ổn định sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), giá bông sẽ duy trì ổn định ở mức 2.200- 2.300 USD/tấn vào năm 2024 do sản lượng và nhu cầu tiêu thụ bông toàn cầu dự kiến sẽ tăng lần lượt 3%/3% svck trong mùa vụ 2024-25.
VNDirect dự phóng giá bông nhập khẩu vào Việt Nam sẽ ở mức ổn đinh khoảng 2.250 USD/tấn vào năm 2024-25. CTCK này kỳ vọng biên LN gộp của May Sông Hồng sẽ cải thiện 1,1/1,6 điểm % svck năm 2024-2025.