Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục có những tiến triển tốt. Bệnh nhân đã cai máy thở 19 ngày, sức cơ chân hồi phục hoàn toàn, bước đi nhiều hơn, các chức năng tim, phổi, giao tiếp, ăn uống... bình thường. Ngày hồi hương của nam phi công đang rất gần...
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 01/7: 76 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 01/7: Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 30/6 đến 6h ngày 01/7: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.580, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 96
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.596
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 888
Theo thông tin của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 335/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh.
Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
20 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định
Tính đến sáng ngày 1/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; và 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91(nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi chức năng toàn diện để đánh giá các tiêu chí an toàn trước khi cho phép xuất viện và hồi hương bằng đường hàng không.
Bệnh nhân đã tự thở khí phòng, đã cai máy thở 19 ngày, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói. Ban đêm bệnh nhân ngủ tốt
Hiện sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân 5/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và và vịn khung tập bước được nhiều bước hơn. Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng gan, thận, tim mạch, men tụy bình thường.
Bệnh nhân tự thở khí phòng, trao đổi oxy ở phổi cải thiện hơn, SpO2 thường xuyên 95-96% có lúc đạt 97%.
Các bác sĩ tăng cường phục hồi chức năng ngày 2 lần, cho bệnh nhân tập thổi hô hấp ký, xuống giường ngồi trên ghế.
Bệnh nhân hiện đã ngưng thuốc kháng nấm. Chỉ dùng thuốc kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto, kết hợp với săn sóc tại chỗ vết loét cùng cụt.
Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng.
Tiểu ban Điều trị đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Anh đề nghị cho bệnh nhân 91 về nước trên chuyến bay ngày 12/7 tới. Đây là chuyến bay của Vietnam Airlines, xuất phát từ Hà Nội đi Vương Quốc Anh đón công dân Việt Nam.
Tiểu ban Điều trị đang sắp xếp một phiên hội chẩn dự kiến trong tuần này, đánh giá sức khỏe phi công người Anh theo đề nghị từ Đại sứ quán Anh, trước khi cho bệnh nhân về nước ngày 12/7. Đây sẽ là hội chẩn quốc gia lần 6 để đánh giá toàn diện sức khỏe bệnh nhân, bao gồm chức năng hô hấp, vận động, để bay một chuyến kéo dài liên tục 12 tiếng...
Trường hợp phi công Anh đủ điều kiện về nước như dự định, phía Việt Nam sẽ cử một ê-kíp y, bác sĩ bay cùng người này để hỗ trợ.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 105 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3-chiều 22/5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22/5 đến nay.
Trong quá trình điều trị, đã có những lúc, sức khoẻ của nam phi công gần như rơi vào tình trạng nguy kịch khi phổi đông đặc gần 90%, liên tục âm tính rồi lại dương tính với SARS-COV-2, bệnh nhân đã phải can thiệp ECMO, sử dụng máy thở nhiều ngày, lọc máu... Thậm chí Bộ Y tế còn phải nhập khẩu thuốc điều trị rối loạn đông máu từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân vì anh không tương thích với các thuốc rối loạn đông máu hiện có.
Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, ngoại, hồi sức... đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn quốc gia để bàn các giải pháp, biện pháp cũng như phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của nam phi công. Thậm chí phương án ghép phổi cũng đã được đưa ra, tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các y bác sĩ, sự hỗ trợ 24/24 của các chuyên gia từ xa... sức khoẻ nam phi công đã tiến triển ngoạn mục.
Đến nay bệnh nhân gần như hồi phục hoàn toàn và dự kiến trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines xuất phát từ Hà Nội đi Anh đón công dân về, sẽ có một chỗ dành cho nam phi công hồi hương. Trên chuyến bay giữa bầu trời bao la ấy, sẽ có các y bác sĩ cuả Việt Nam tiếp tục chăm sóc, theo dõi sức khoẻ cho anh...
Chuyến đi - nhưng là sự trở với quê hương đang rất gần với nam phi công...
(Theo Sức khỏe đời sống)
https://suckhoedoisong.vn/nam-phi-cong-nguoi-anh-trai-qua-105-ngay-dieu-tri-gan-nhu-hoi-phuc-suc-khoe-hoan-toan-n176455.html