Nâng cao năng lực của nhà báo nữ trong điều tra buôn bán trái phép động vật hoang dã

25/10/2022 18:43

PLBĐ - Nhằm phát huy thế mạnh, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, kiến thức về động vật hoang dã cho nhà báo nữ, Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) phối hợp với Tổ chức Wifdlife Conservation Society (WCS) thực hiện chương trình tập huấn "Nâng cao năng lực của nhà báo nữ trong điều tra, xây dựng tin bài về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã".

Thời gian qua, một số nhà báo nữ đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong điều tra, phản ánh làm lật tẩy các hành vi sai phạm về động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép động vật hoang dã vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp, mức độ tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm ngày càng cao, cần có sự tham gia quyết liệt, sâu rộng hơn nữa.

photo-1666697843904

Các thầy cô chia sẻ về kinh nghiệm trong báo chí điều tra

Tại chương trình tập huấn này, có sự góp mặt của gần 20 nhà nữ đến từ nhiều cơ quan báo đài khác nhau và một số chuyên gia như GS.TS Đinh Thị Thu Hằng – Khoa PTTH, Th.S.Đinh Ngọc Sơn – Khoa PTTH, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Dân Việt, nhà báo Hoàng Chiên – Báo Dân Việt, nhà báo Hồ Vĩnh Phú – VTV2, Đài THVN, nhà hoạt động môi trường Hoàng Bích Thủy – Giám đốc tổ chức Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) chương trình Việt Nam.

Trong hai ngày diễn ra buổi tập huấn, 21 và 22/10/2022, nhiều vấn đề thảo luận được đề cập, phân tích sâu rộng. Đặc biệt, vấn đề về tự bảo vệ an toàn của nhà báo trong quá trình điều tra nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà báo.

photo-1666697845973

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện các đề tài điều tra

Từ đó, biết thêm các vấn đề về chuyên môn như kỹ năng tìm kiếm thông tin, xây dựng đề tài, kỹ năng điều tra báo chí, đào sâu và mở rộng vấn đề, xây dựng tin bài và cách tiếp cận với cơ quan chính quyền địa phương, chuyển giao chứng cứ đến cơ quan có thẩm quyền xem xét…

photo-1666697847308

Nhà báo Hồ Vĩnh Phú, Đài truyền hình Việt Nam, chia sẻ về phóng sự "Trả giá"

Không chỉ xoay quanh kiến thức chuyên môn, nhiều câu chuyện xúc động cũng được các chuyên gia, nhà báo cùng chia sẻ như khó khăn trong hành trình theo đuổi sự thật hay sự đồng cảm, đồng hành để thay đổi nhận thức của những người từng lầm lỡ. Qua đó thấy rằng, ngăn chặn hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, không chỉ dừng ở việc nâng cao năng lực, trách nhiệm cho các cơ quan thực thi pháp luật mà cần phải thúc đẩy hoạt động phòng ngừa, nhận thức về pháp luật và hành vi tích cực bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng và xã hội.

photo-1666697848573

Thảo luận xử lý tình huống điều tra về động vật hoang dã có thể xảy ra trên thực tế

Cũng trong khuôn khổ chương trình tập huấn, các nữ nhà báo đã có cơ hội tìm hiểu thực địa công tác bảo vệ động vật hoang dã và tài nguyên rừng tại vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định).

Nơi đây giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái quốc gia.

Tính đến nay, vườn quốc gia Xuân Thuỷ được mệnh danh là "sân chim lớn nhất miền Bắc", là nơi có 220 loài chim hoang dã thường xuyên cư trú và di cư đến hàng năm, chiếm ¼ số loài trên cả nước, trong đó có 9 loài quý hiếm, cùng hệ sinh thái rừng đa dạng với hơn 100 loài cây chia làm hai nhóm chính: rừng ngập mặt, rừng phi lao. Bảo vệ và nuôi trồng hơn 500 loài thuỷ hải sản. Bên cạnh đó là một số loài động vật quý hiếm như rái cá, cá heo,…

photo-1666697849872

Các nhà báo nghe giới thiệu về công tác bảo tồn chim hoang dã ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định.

Theo báo cáo của tổ chức WCS, Việt Nam được coi là một trong những điểm nóng về săn bắt, buôn bán và trung chuyển động vật hoang dã trên thế giới. Số liệu từ nguồn báo chí do WCS thống kê, từ năm 2018 đến 9/2022 ghi nhận 630 vụ vi phạm với khoảng 14.775nghìn cá thể động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… bất hợp pháp.

Ở Việt Nam, 891 loài bị đe dọa tuyệt chủng (trong số 5.287 loài được đánh giá) (IUCN 2022). Sách đỏ Việt Nam 2007, 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao và 6 loài chuyển từ mức nguy cấp khác nhau lên mức coi như đã tuyệt chủng gồm tê giác Java, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao.

Buôn bán, nuôi nhốt, săn bắn, chế biến trái phép động vật hoang dã là những hành vi nguy hiểm, tác động xấu tới môi trường tự nhiên và bản thân tính mạng con người. Nghiên cứu của WCS chỉ ra rằng 60% bệnh truyền nhiễm trên người là bệnh truyền lây từ động vật, ít nhất 75% bệnh truyền nhiễm mới nổi trên người (bao gồm cả Ebola, HIV, và cúm) có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Với thế mạnh của phái nữ là sự dịu dàng, khéo léo nhưng cũng rất kiên cường, mạnh mẽ và đặc biệt là giàu cảm xúc trước các vấn đề của cuộc sống, các nhà báo nữ sẽ góp phần mang đến nhiều tác phẩm với góc nhìn đa dạng, chuyển tải thông điệp hữu ích, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, yêu động vật, góp phần vào việc bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và động vật hoang dã.

Hồng Ngọc – Minh Ánh

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng cao năng lực của nhà báo nữ trong điều tra buôn bán trái phép động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO