Nắng nóng gay gắt, người dân cần làm gì để tránh bị sốc nhiệt?

21/06/2022 10:44

PLBĐ - Các chuyên gia cảnh báo, nắng nóng đặc biệt gay gắt đang diễn ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ có thể dẫn đến các vấn đề như cháy nắng, ngất, say nắng... Trong đó, nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (20/6), ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến từ 40-60%. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận được tại điểm đo Láng (Đống Đa, Hà Nội) và Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cùng 39,3 độ C, cao nhất cả nước. Tiếp theo là Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 39,1 độ C, Sơn Tây (Hà Nội) 39,1 độ C, Đô Lương (Nghệ An) 39,1 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 39 độ C.

Đáng lưu ý, đây là ngày thứ hai liên tiếp, Hà Nội nóng nhất cả nước, vượt qua những nơi vốn là "lò nung" cả nước như Hương Khê (Hà Tĩnh), Con Cuông (nghệ An), Đô Lương (Nghệ An)... Trước đó, ngày 19/6, nhiệt độ đo được tại Láng là 39,6 độ C, cũng là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong ngày trên cả nước.

Nhiệt độ trên là nhiệt độ ghi nhận tại lều khí tượng, nhiệt độ thực tế ngoài trời ở Hà Nội có thể cao hơn nhiều do tác động của hiện tượng đảo nhiệt đô thị liên quan đến vấn đề bê tông hóa, giảm tỷ lệ cây xanh, mặt nước, số lượng xe cơ giới lớn cũng như nhu cầu dùng điều hòa tăng đột biến ngày nắng nóng.

Ngày hôm nay (21/6) và ngày mai (22/6), khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.

Các chuyên gia cảnh báo, nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt khi cơ thể tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Chỉ số tia UV ở miền Bắc, miền Trung hôm nay ở ngưỡng gây hại cao đến rất cao với sức khỏe con người. 

Nắng nóng gay gắt, người dân cần làm gì để tránh bị sốc nhiệt? - Ảnh 1.

Nắng nóng có thể gây tình trạng sốc nhiệt. (Ảnh minh họa)

Sốc nhiệt là gì?

Sốc nhiệt (hay say nắng, cảm nắng) là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Theo các chuyên gia, triệu chứng chính của sốc nhiệt là việc tăng đáng kể nhiệt độ của cơ thể, thường là trên 40 độ C, kèm theo tình trạng tâm thần thay đổi có thể từ thay đổi tính tình cho đến lú lẫn và hôn mê. Ngoài ra, bệnh nhân khi bị sốc nhiệt cũng có thể bị tổn thương não và các cơ quan nội tạng khác kèm các triệu chứng như: da khô, nóng, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, chóng mặt chuột rút, kiệt sức, buồn nôn, co giật, mất định hướng hoặc đôi khi mất ý thức…

Nhóm đối tượng dễ bị sốc nhiệt

Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt, nhất là khi thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng thế này. Có thể kể đến như:

- Người già và trẻ em.

- Người mắc bệnh béo phì.

- Người bệnh hoặc có cơ thể suy nhược.

- Người có bệnh tim mạch, thần kinh hoặc rối loạn nội tiết.

- Người rối loạn bài tiết mồ hôi.

- Thanh niên trẻ, khỏe mạnh nhưng tập thể dục, gắng sức dưới trời nắng nóng trong thời gian dài.

- Ngoài ra, tình trạng mất nước, uống rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định cũng là những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng say nắng và sốc nhiệt.

Nắng nóng gay gắt, người dân cần làm gì để tránh bị sốc nhiệt? - Ảnh 2.

Sơ cứu khi bị sốc nhiệt

Việc sơ cứu, điều trị tích cực sớm cũng rất quan trọng nhằm càng hạn chế các tổn thương lên các cơ quan. Khi phát hiện thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc nặng hơn là bất tỉnh thì người dân phải cho tạm nghỉ và kiểm tra. Cụ thể:

- Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất).

- Cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng..., có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể.

- Có thể tưới một lớp nước lạnh hoặc ấm trên toàn bộ da nạn nhân và quạt mát, giữ cho toàn bộ vùng da luôn ướt. Thậm chí có thể nhúng cơ thể nạn nhân trong một vùng nước nhằm nhanh chóng làm nguội nạn nhân. Lưu ý không dùng nước đá cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân có bệnh mãn tính hoặc người bị sốc nhiệt không do vận động mạnh.

- Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

- Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc. Chú ý liên tục duy trì việc làm mát cơ thể nạn nhân.

Phương pháp ngăn ngừa sốc nhiệt

- Cách tốt nhất để phòng tránh sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động, làm việc lâu trong môi trường nóng ẩm.

- Người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h. Tùy theo tính chất, đặc thù công việc mỗi người cần chống nắng khác nhau, có mũ rộng vành, áo dài tay, kính mắt để che chắn, giảm tác động của nhiệt. Lưu ý mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

- Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày này, bạn cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.

- Với người ngồi điều hòa liên tục, nên ở phòng mát hoặc cân bằng nhiệt trước khi đi ra ngoài đường. Không nên để trẻ em và người già ở phòng lạnh quá nhiều.

- Tăng cường rèn luyện sức khỏe để có cơ thể dẻo dai, giúp tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

- Ngoài ra, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu như: đổ mồ hôi nhiều, mất nước, cần nhanh chóng bổ sung thêm các chất điện giải (natri) và nước để tránh bị sốc nhiệt.

- Trang bị những biện pháp sơ cứu người bị sốc nhiệt.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nắng nóng gay gắt, người dân cần làm gì để tránh bị sốc nhiệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO