Vitamin B12 rất quan trọng với cơ thể, duy trì máu và tế bào thần kinh khỏe mạnh, giúp tạo ra DNA... Cách tốt nhất để có được lợi ích của vitamin B12 trong cơ thể là thông qua thực phẩm hàng ngày.
Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng giúp duy trì máu và tế bào thần kinh khỏe mạnh, giúp tạo ra DNA, vật liệu di truyền trong tất cả các tế bào của cơ thể. Vitamin B12 cũng giúp ngăn ngừa thiếu máu hồng cầu to (một tình trạng về máu khiến mọi người mệt mỏi và yếu).
Không chỉ có ở thức ăn hàng ngày, vitamin B12 cũng được thêm vào một số thực phẩm, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng tăng cường và có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung qua đường uống. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn tiêm vitamin B12 để điều trị tình trạng thiếu vitamin B12 .
Thiếu hụt vitamin B12 không phổ biến, nhưng những người theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay, dễ bị thiếu hụt vitamin B12, vì thực phẩm thực vật thường không có hoặc rất ít vitamin B12.
Người lớn tuổi và những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, cũng dễ bị thiếu hụt vitamin B12.
Nếu không được điều trị, tình trạng thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi, yếu cơ, các vấn đề về đường ruột, tổn thương thần kinh và rối loạn tâm trạng…
- Sinh tố protein : Sinh tố protein là đồ uống được pha chế từ bột protein và nước cùng các nguyên liệu khác. Loại sinh tố này đang trở nên phổ biến vì sự tiện lợi và khả năng cung cấp protein hiệu quả, có nhiều dinh dưỡng, hỗ trợ tăng cường cơ bắp cũng như cung cấp các loại vitamin, khoáng chất...
Không chỉ cung cấp vitamin B12, sinh tố protein cũng rất tốt cho việc xây dựng cơ bắp, giảm cân, tăng sức bền và tăng mật độ xương. ..
- Cá và động vật có vỏ: Nghêu nấu chín, trai hấp, cá hồi, cua… rất giàu vitamin B12.
- Thịt đỏ: Bao gồm thịt bò và thịt cừu, gan bò… Tuy nhiên, quá nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định, bao gồm các vấn đề về tim, mạch máu… Do đó, có thể giới hạn ở một vài khẩu phần ăn mỗi tuần. Đối với những người có tình trạng bệnh lý nhất định, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về mức tiêu thụ.
- Sữa: Các loại sữa như sữa ít béo, sữa chua ít béo, phô mai… rất giàu vitamin B12.
- Thịt gia cầm: Vitamin B12 có nhiều trong thịt gà, gà tây, gan gà, ức gà…
- Trứng: Trứng rất giàu vitamin B12, nhưng cần phải ăn cả quả trứng, vì hầu hết B12 có trong lòng đỏ.