Tín dụng được kỳ vọng sẽ bật tăng mạnh trong phần còn lại của năm 2024 khi nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay cũng như nới lỏng điều kiện cho vay mua nhà.
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo và Thống kê (NHNN) vừa được công bố, trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong 6 tháng đầu năm, các TCTD có xu hướng "không đổi" hoặc "nới lỏng" nhẹ tiêu chuẩn tín dụng. Xu hướng nới lỏng này ghi nhận ở một số lĩnh vực như cho vay mua nhà ở.
Tuy nhiên, theo báo cáo này, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định chỉ phục hồi nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng được cải thiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2024. Tính chung cả năm 2024, tỷ lệ tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra này dự kiến nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng "tăng" so với năm 2023 là 79,4%.
Theo nhận định của Vụ Dự báo và Thống kê, trong 6 tháng cuối năm 2024, các tổ chức tín dụng cho biết sẽ chuyển sang xu hướng nới lỏng các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với một số nhóm khách hàng.
Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng nỗ lực giải ngân bằng các gói vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài mức lãi suất hấp dẫn, một số nhà băng còn đưa ra chương trình như ân hạn nợ gốc trong một thời gian nhất định, giảm phí phạt trả trước,… Đặc biệt, các thủ tục cho vay mua nhà cũng được tối giản nhằm thu hút khách hàng vay vốn.
Khảo sát trên thị trường, lãi suất cho vay mua nhà được nhận định thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong năm đầu tiên, mức lãi suất trung bình dao động từ 5-6%/năm. Từ năm thứ 2, mức lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ lãi suất.
Cụ thể, đối với nhóm ngân hàng thương mại, một số nhà băng còn ưu đãi lãi suất dưới 5%/năm áp dụng cho 3-6 tháng đầu tiên. Nhóm ngân hàng quốc doanh cũng tung ra gói lãi suất cho vay mua nhà thấp, dao động khoảng 6%/năm, cố định 1-2 năm đầu tiên.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay mua nhà, nhằm thu hút khách vay, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh gói vay trả nợ nhà băng khác. Đơn cử như Agribank áp dụng gói vay trả nợ nhà băng khác với lãi suất 6%/năm, áp dụng 2 năm đầu tiên. VietinBank niêm yết lãi suất dành cho khách hàng có nhu cầu trả nợ ngân hàng là 7%/năm.
Các chuyên gia nhận định, tín dụng bất động sản cải thiện sẽ góp phần vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của ngành ngân hàng. Đây là một phần lý do khiến các ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân, thậm chí "nới lỏng" điều kiện cho vay đối với một số lĩnh vực.
Tín dụng bất động sản được kỳ vọng tăng mạnh
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tín dụng bất động sản chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Với sự hồi phục của thị trường bất động sản trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, nhất là việc áp dụng luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, và Luật Các tổ chức tín dụng trước 5 tháng so với dự kiến, tín dụng bất động sản nói riêng và hoạt động của các ngân hàng nói chung sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm, đặc biệt khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp.
Trong báo cáo mới đây, đơn vị nghiên cứu FiinRatings nhận định, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại, có triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Các bộ luật mới cũng được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Các chuyên gia VIS Rating cũng nhận định, một số chủ đầu tư bất động sản đang có nhu cầu cao sử dụng đòn bẩy để phát triển dự án mới. Nhóm chuyên gia này kỳ vọng dư nợ ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tăng 16 - 18% trong năm 2024.