Để trở thành cổ đông lớn của FPT, số tiền ngân hàng Lộc Phát do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch có thể phải chi ra lên tới cả chục nghìn tỷ đồng.
LPBank muốn chi chục nghìn tỷ vào FPT
Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc bổ sung, cập nhật tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - LPB) cho biết nhà băng này đề xuất cổ đông thông qua kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ của FPT, tương đương hơn 73 triệu cổ phiếu. Thời gian dự kiến trong năm 2024 và 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền.
Theo LPBank, việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp ngân hàng đa dạng kênh đầu tư và tối ưu vốn góp của cổ đông. Trong đó, HĐQT nhận thấy cổ phiếu của FPT "có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản".
Tờ trình cũng xin ý kiến ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định/phê duyệt, thực hiện/tổ chức thực hiện tất cả các công việc/hành động, tiến hành tất cả các bước cần thiết, ký các văn kiện và tài liệu khác,... hoặc giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến việc LPBank đầu tư vào FPT.
LPBank có nhiều thay đổi kể từ khi ông Nguyễn Đức Thụy giữ vị trí Chủ tịch
Tập đoàn FPT có vốn điều lệ hơn 14.600 tỷ đồng. Với thị giá chốt phiên 19/9 ở mức 135.300 đồng/cổ phiếu, LPBank có thể phải chi gần 10.000 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.
Một nội dung đáng chú ý khác tại ĐHĐCĐ bất thường là ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Theo đó, 2 gương mặt mới được giới thiệu vào Hội đồng quản trị của LPBank là bà Vương Thị Huyền, sinh năm 1974. Bà Huyền có 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đang là Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp Fast Capital.
Gương mặt thứ 2 được đề cử vào HĐQT của LPBank là ông Yew Teong Soon Alan sinh năm 1971, là cử nhân kinh tế có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ông Yew Teong Soon Alan đang là thành viên độc lập của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán LPBank.
Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 22/9, HĐQT LPBank cũng xem xét trình ĐHĐCĐ phê duyệt điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
LPBank đang kinh doanh ra sao?
LPBank có tiền thân là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam hồi giữa tháng 7/2024. Trước khi đổi tên và lên kế hoạch đầu tư chục nghìn tỷ vào FPT của đại gia Trương Gia Bình, ngân hàng do đại gia Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán của LPBank cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024 nhà băng này ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt hơn 16.216 tỷ đồng tăng hơn 600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí lãi và các chi phí tương tự chiếm hơn 9.106 tỷ đồng, giảm hơn 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết quả nhà băng này ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 7.109 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh từ hơn 475 tỷ đồng lên hơn 1.685 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt 9.311 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số chỉ hơn 6.020 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.918 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 4.720 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả trên, LPBank đã hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Tính riêng trong quý II/2024, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt 2.421,6 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả kinh doanh này, LPBank là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất hệ thống trong quý II cũng như trong nửa đầu năm 2024.
Tại ngày 30/6, LPBank có tổng tài sản đạt 442.583 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng hơn 313.166 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số chỉ hơn 271.972 tỷ đồng nửa đầu năm 2023. Chứng khoán đầu tư hơn 51.287 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng của nhà băng này ghi nhận hơn 288.907 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn chiếm hơn 28.905 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với đầu năm. Tiền gửi có kỳ hạn chiếm hơn 259.088 tỷ đồng, tăng hơn 44.000 tỷ đồng so với đầu năm.
FPT của đại gia Trương Gia Bình có gì để hấp dẫn Ngân hàng của ông Nguyễn Đức Thụy?
Trước khi nhận được sự quan tâm của ngân hàng LPBank do ông Nguyễn Đức Thụy làm chủ tịch, FPT của đại gia Trương Gia Bình đang là một trong những "đại bàng" công nghệ tại Việt Nam.
Theo số liệu được công bố, CTCP FPT do đại gia Trương Gia Bình giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện chỉ có 2 cổ đông lớn nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên là Chủ tịch Trương Gia Bình nắm giữ hơn 102 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 6,99% và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước nắm giữ hơn 83,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,75%.
Về kết quả kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 39.664 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 7.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,8% và gần 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 6.029 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ tăng gần 23% lên 5.007 tỷ đồng.
FPT của đại gia Trương Gia Bình nhận được sự quan tâm lớn từ LPBank do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2024, lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 1.002 tỷ đồng. Lãi ròng tháng 8 đạt 722 tỷ, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau 8 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 64% kế hoạch doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Đóng góp lớn vào doanh thu của FPT là mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài đạt doanh thu 19.934 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30,4%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 34,4% (tương đương tăng trưởng 37,2% theo Yên Nhật) và 36,9%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 22.774 tỷ đồng, tăng 19%; LNTT tăng gần 27% lên 3.182 tỷ.
Trong 8 tháng năm 2024, FPT thắng thầu 29 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, cho thấy nhu cầu đầu tư cho công nghệ ngày càng cao trên toàn cầu và khẳng định năng lực cung ứng công nghệ của FPT.
Mảng Dịch vụ CNTT trong nước ghi nhận doanh thu đạt 4.591 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 10,6%, thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư cho công nghệ từ khối ngân hàng và tài chính.
Mảng Dịch vụ viễn thông duy trì mức tăng trưởng tốt với doanh thu đạt 11.228 tỷ đồng trong 8 tháng, tăng gần 9% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.378 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Trong mảng giáo dục, đầu tư và khác, doanh thu tăng trưởng 28% lên 3.911tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế ghi nhận 1.330 tỷ đồng.
FPT hiện có hơn 80.013 nhân sự làm việc tại 30 quốc gia trên thế giới. Đội ngũ nhân sự tuổi trung bình 28, có 6.310 nhân sự làm việc trực tiếp tại nước ngoài. Trong đó có 3.647 nhân sự là người nước ngoài với 78 quốc tịch.