Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Vietcombank cùng nhiều ngân hàng cảnh báo những số điện thoại này được phản ánh là thường xuyên liên hệ người dùng với các chiêu trò tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra cảnh báo về một loạt đầu số điện thoại mạo danh tổng đài để lừa đảo khách hàng.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên Vietcombank hoặc tổng đài viên ngân hàng, tiếp cận khách hàng thông qua cuộc gọi, tin nhắn SMS, Zalo, Messenger... Nội dung cuộc gọi thường là thông báo khách hàng "đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng" hoặc "mở thẻ ghi nợ phi vật lý". Sau khi người nghe làm theo hướng dẫn từ hệ thống trả lời tự động, kẻ gian sẽ chủ động gọi lại, tiếp tục giả danh nhân viên ngân hàng để lấy lòng tin.
Chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và dữ liệu bảo mật dưới nhiều hình thức khác nhau. Những dữ liệu thường bị nhắm đến bao gồm hình ảnh thẻ ngân hàng, dãy số in trên thẻ, họ tên chủ thẻ, ảnh chụp màn hình hiển thị số thẻ đầy đủ trên ứng dụng VCB Digibank và đặc biệt là mã OTP – chìa khóa để xác nhận mọi giao dịch tài chính.
Không chỉ dừng lại ở đó, kẻ gian còn có thể yêu cầu thêm các thông tin như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, ảnh nhận diện sinh trắc học, mật khẩu truy cập ứng dụng… Trong một số trường hợp, chúng còn dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền với lý do "tăng điểm tín dụng" hay "nộp phí phát hành thẻ", sau đó chiếm đoạt số tiền đã chuyển.
Đáng chú ý, những cuộc gọi này thường được dàn dựng giống như một hệ thống tổng đài thật, với lời thoại quen thuộc như: "Chúc mừng quý khách đã đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Nhấn phím 1 để tiếp tục…". Đây chính là bẫy để khai thác thông tin khách hàng một cách tinh vi và có chủ đích.
Trong số đó có các số như: 02488860469, 02888865154, 1900355561, 02366888766…
Không dừng lại ở đó, Vietcombank cũng liên tục cảnh báo về hành vi giả danh nhân viên ngân hàng để dụ dỗ khách hàng mở thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ phi vật lý. Các đối tượng tiếp cận qua cuộc gọi, tin nhắn hoặc mạng xã hội, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dùng để lừa lấy thông tin.
Trước tình hình này, Vietcombank khuyến nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không chia sẻ bất kỳ thông tin bảo mật nào như mật khẩu ứng dụng VCB Digibank, mã OTP, thông tin thẻ… cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó tự nhận là nhân viên ngân hàng. Ngân hàng khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các dữ liệu bảo mật qua điện thoại hay tin nhắn.
Ngoài ra, người dùng cũng cần tránh truy cập các đường link lạ hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc được gửi qua tin nhắn, email, hay các nền tảng mạng xã hội. Vietcombank không gửi các liên kết chứa yêu cầu xác nhận thông tin tới khách hàng.
Khách hàng nên chỉ nhận thông tin từ các kênh chính thống của Vietcombank, đồng thời thường xuyên theo dõi chuyên mục "Cảnh báo rủi ro" trên website chính thức của ngân hàng để cập nhật hướng dẫn giao dịch an toàn mới nhất.
Nếu phát hiện bất kỳ cuộc gọi, tin nhắn đáng ngờ nào liên quan đến những số điện thoại nêu trên hoặc nghi ngờ đang trở thành mục tiêu lừa đảo, người dùng cần báo ngay cho Vietcombank hoặc cơ quan chức năng gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Không riêng Vietcombank, hàng loạt ngân hàng như SCB, VIB, BIDV, Sacombank, ACB… đã phát đi cảnh báo đến khách hàng về một chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Cụ thể, SCB cho biết, thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp đối tượng gọi điện, giả danh nhân viên ngân hàng để yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh thẻ, mã OTP… hoặc dụ dỗ cài ứng dụng chứa mã độc. Chúng viện cớ liên quan đến các dịch vụ trái phiếu, tín dụng hay các chương trình ưu đãi ngân hàng để chiếm lòng tin, sau đó thực hiện hành vi trục lợi.
Ngân hàng này khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cài đặt ứng dụng lạ, không nhấp vào các đường link gửi qua tin nhắn, Zalo, email… và không chia sẻ bất kỳ thông tin nào liên quan đến tài khoản ngân hàng, mã OTP hay hình ảnh thẻ cho người lạ, kể cả khi họ tự xưng là nhân viên ngân hàng.
Tương tự, VIB cũng cảnh báo về tình trạng kẻ gian giả mạo nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng hoặc đơn vị giao hàng để tiếp cận khách hàng. Chúng thường gọi điện, nhắn tin hoặc tiếp cận qua mạng xã hội với các kịch bản quen thuộc như: xác nhận đơn hàng, xử lý vấn đề pháp lý, hỗ trợ giảm lãi suất, nâng hạn mức thẻ, hủy phí duy trì…
Thậm chí, nhiều đối tượng còn gửi kèm các văn bản có dấu đỏ, tài liệu giả mạo qua email để tạo sự tin tưởng rồi dụ người dùng cài app chứa mã độc hoặc đăng nhập vào đường link giả. Khi nạn nhân làm theo, chúng dễ dàng đánh cắp thông tin thẻ và thực hiện các giao dịch trái phép.
VIB khẳng định, tất cả các chương trình liên quan đến ưu đãi, nâng hạn mức, miễn phí dịch vụ… đều do ngân hàng trực tiếp triển khai và không ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện qua điện thoại cá nhân hay số lạ.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như BIDV, VietinBank, Sacombank và ACB cũng cùng lúc đưa ra cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tương tự. Các ngân hàng đều nhấn mạnh, khách hàng cần kiểm tra kỹ nguồn gốc cuộc gọi, tin nhắn hoặc email trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào. Trong trường hợp nghi ngờ, nên ngắt kết nối ngay lập tức và liên hệ tổng đài chính thức của ngân hàng để xác minh.
Tất cả các ngân hàng cùng khuyến cáo người dùng không cung cấp mã PIN, mã OTP, thông tin đăng nhập tài khoản cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Đồng thời, không nhấp vào liên kết hoặc tải file đính kèm từ nguồn không rõ ràng để tránh rơi vào bẫy lừa đảo đang ngày càng tinh vi.
Ngân hàng chỉ liên hệ với khách hàng qua đầu số hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng.
Đối tượng giới thiệu nhân viên ngân hàng từ hội sở hay nhân viên chăm sóc khách hàng trụ sở chính.
Cuộc gọi chính thức từ ngân hàng sẽ từ cán bộ trung tâm dịch vụ khách hàng hoặc tên chi nhánh cụ thể.
Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP, mã PIN thẻ, màn hình giao dịch,... cũng như không bao giờ yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản.
Do vậy, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập tài khoản, mã PIN thẻ, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, kể cả khi người gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng.
Ngân hàng chỉ hướng dẫn khách hàng đăng ký mở thẻ/mở tài khoản thông qua hai kênh là tại quầy hoặc mở trực tuyến trên ứng dụng chính thức và duy nhất của mỗi ngân hàng và không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật cũng như nộp tiền vào tài khoản.
Khi khách hàng gọi lại số điện thoại nghi ngờ lừa đảo thì không có tín hiệu hoặc rất lâu mới có tín hiệu, có tín hiệu nhưng không có người bắt máy.
Kẻ gian thường tạo áp lực, hối thúc "con mồi" cung cấp thông tin hoặc thực hiện giao dịch ngay lập tức. Trong trường hợp này, hãy bình tĩnh và từ chối cung cấp thông tin hoặc từ chối thực hiện giao dịch.
Bên cạnh chiêu lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng, gần đây các đối tượng lừa đảo gia tăng tiếp cận người có tài khoản ngân hàng bằng cách giả danh cơ quan chức năng (công an, thuế,... ) yêu cầu cài đặt dịch vụ công.