Ngày lễ Giáng sinh (ngày 24/12/2023) thì người lao động có được nghỉ làm không?

14/12/2023 13:31

Tôi có ngày nghỉ hằng tuần là ngày thứ 5 mà ngày lễ Giáng sinh vào ngày 24/12/2023 rơi vào ngày Chủ nhật thì tôi có được nghỉ làm không? - Minh Hiền (TPHCM)

Ngày lễ Giáng sinh (ngày 24/12/2023) thì người lao động có được nghỉ làm không?

Ngày lễ Giáng sinh (ngày 24/12/2023) thì người lao động có được nghỉ làm không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ngày lễ Giáng sinh (ngày 24/12/2023) thì người lao động có được nghỉ làm không?

Theo Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về các ngày nghỉ lễ, tết của người lao động như sau:

- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

+ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

+ Tết Âm lịch: 05 ngày;

+ Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

+ Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

+ Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

- Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019 còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

- Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019.

Như vậy, theo quy định trên thì ngày lễ Giáng sinh không nằm trong danh sách những ngày lễ, tết mà người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Tuy nhiên, ngày 24/12/2023 rơi vào ngày Chủ nhật do đó thì đối với người lao động có ngày nghỉ hằng tuần có ngày Chủ nhật thì sẽ được nghỉ theo ngày nghỉ hằng tuần.

Còn đối với người lao động có ngày nghỉ hằng tuần không phải là ngày Chủ nhật thì có thể thỏa thuận về nghỉ hằng năm theo Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019 (hay còn gọi là nghỉ phép năm) hoặc nghỉ không hưởng lương theo Điều 115 Bộ Luật Lao động 2019 với người sử dụng lao động để được nghỉ ngày lễ Giáng sinh.

2. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quyền và nghĩa vụ của người lao động theo Điều 5 Bộ Luật Lao động 2019 như sau:

* Người lao động có các quyền sau đây:

- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Đình công;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

* Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

3. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo Điều 6 Bộ Luật Lao động 2019 như sau:

- Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

+ Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

+ Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

+ Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

+ Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

+ Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;

+ Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngày lễ Giáng sinh (ngày 24/12/2023) thì người lao động có được nghỉ làm không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO