Một số người dù có tiền sử bị bệnh tâm thần nhưng tại thời điểm phạm tội họ hoàn toàn bình thường thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngày 26/11, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự " Giết người " và tạm giữ hình sự Hoàng Ngọc Chiến (SN 1985, trú tại tổ 25, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội) để điều tra hành vi "Giết người".
Trước đó vào 12h15 ngày 25/11, Công an phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ tiếp nhận tin báo của quần chúng nhân dân về việc bà H. (SN 1971, trú tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) bị một nam thanh niên dùng dao đâm tử vong ngay trước cửa nhà số 406 đường Hoàng Hoa Thám.
Sau khi gây án, Hoàng Ngọc Chiến đi xe buýt về xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội để lẩn trốn. Chiều cùng ngày, nghi phạm bị bắt giữ.
Ngay sau đó, đối tượng bị đưa về trụ sở Công an quận Tây Hồ. Hoàng Ngọc Chiến được xác định có bệnh án tâm thần . Nguyên nhân gây án do nghi phạm có mâu thuẫn với cháu nạn nhân.
Liên quan đến việc đối tượng Hoàng Ngọc Chiến có bệnh án tâm thần, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, vụ việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trọng án mà kẻ thủ ác có tiền sử bị bệnh tâm thần.
Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, đối tượng thực hiện hành vi giết người sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây án trong khi phát bệnh tâm thần.
Tuy vậy, việc nghi phạm từng có tiểu sử bệnh tâm thần chỉ là một trong những căn cứ để xác định hành vi phạm tội. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chứng minh tại thời điểm gây án, đối tượng có mắc bệnh không.
Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, theo Điều 206 Bộ luật Bộ luật Hình sự năm 2015, đây là một yêu cầu trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì các cơ quan chức năng Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết quả này sẽ đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.
Thực tế, có một số cá nhân dù mắc bệnh tâm thần và đang điều trị bệnh nhưng tại thời điểm phạm tội họ hoàn toàn bình thường thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Với trường hợp này, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình. Song theo Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, nghi phạm có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra".
Cũng theo Luật sư Thu, để kết luận một người mắc bệnh tâm thần hay không cần phải khám, theo dõi về mặt lâm sàng trong thời gian nhất định. Tâm thần là bệnh lý có thể điều trị ổn định và khỏi hoàn toàn ở một số dạng. Một người có tiền sử bệnh tâm thần nhưng lúc gây án vẫn có thể tỉnh táo, làm chủ nhận thức và hành vi.
Một số dấu hiệu nhận biết người tâm thần bao gồm mất ngủ hoàn toàn trong 24 giờ; rối loạn định hướng không gian, thời gian (không xác định được mình đang ở đâu, lúc này là thời điểm nào trong ngày); hoang tưởng, ảo giác...
Theo PGS.TS. Bùi Quang Huy (Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện quân y 103), để hạn chế những hành vi phạm tội của bệnh nhân tâm thần, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, người bệnh tâm thần cần được quản lý tốt. Bệnh nhân tâm thần cần được điều trị triệt để và chống tái phát tại các cơ sở y tế chuyên khoa.