Luật sư cho rằng nếu Hàn Quốc có văn bản yêu cầu dẫn độ, Việt Nam sẽ căn cứ hiệp định đã ký và văn bản pháp lý liên quan để quyết định việc này.
Chưa đầy một ngày sau khi điều tra vụ người đàn ông Hàn Quốc bị sát hại tại căn nhà 3 tầng ở quận 7, Công an TP.HCM đã bắt được nghi phạm Jeong In Cheol (35 tuổi, đồng hương với nạn nhân).
Hiệp định dẫn độ và Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2005. Vậy sau khi phạm tội, nghi phạm trong vụ án rúng động này có bị dẫn độ về Hàn Quốc hay không?
Theo Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội, hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc thi hành án.
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế.
Trường hợp điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Với quy định trên, luật sư Hùng cho rằng trong vụ án này, nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam mà không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong trường hợp Hàn Quốc muốn dẫn độ nghi phạm này thì cần có văn bản yêu cầu dẫn độ. Việt Nam sẽ căn cứ vào Hiệp định số 46/2005/LPQT về dẫn độ giữa Việt Nam và Đại hàn Dân quốc cùng các văn bản pháp lý có liên quan để đưa ra quyết định đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.
Thạc sĩ Trần Thanh Thảo (giảng viên Luật Hình sự, Đại học Luật TP.HCM) cũng cho rằng nếu Hàn Quốc có yêu cầu và Jeong In Cheol đáp ứng điều kiện tại Điều 33, 34 Luật Tương trợ Tư pháp 2007 thì người này có thể bị dẫn độ về Hàn Quốc để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn nếu Hàn Quốc không có yêu cầu thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, nghi phạm sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật Việt Nam.
Trong vụ án này, cả nghi phạm và nạn nhân đều là người nước ngoài. Do đó, căn cứ quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thẩm quyền điều tra thuộc Công an TP.HCM.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, trong một số trường hợp, nếu xét thấy cần thiết do vụ án có tính chất nghiêm trọng hoặc phức tạp, Bộ Công an có thể rút hồ sơ lên để điều tra.
Luật sư nhận định với hành vi giết người, phân xác bỏ vào vali, nghi phạm Jeong In Cheol sẽ đối diện với hình phạt quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, theo điểm i khoản 1 điều này, người nào giết người thuộc trường hợp man rợ thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Kết quả điều tra còn xác định sau khi sát hại đồng hương, Jeong In Cheol lấy ôtô của nạn nhân để di chuyển trước khi bị bắt. Nếu quá trình điều tra làm rõ nghi phạm giết người để cướp tài sản thì đây là tình tiết định khung theo điểm g, khoản 1 Điều 123 (giết người để thực hiện một tội phạm khác).
Vị luật sư đánh giá hành vi của nghi phạm rất man rợ. Nếu không dẫn độ về Hàn Quốc, nghi phạm sẽ đối diện mức hình phạt nghiêm khắc theo pháp luật Việt Nam.
Chiều 27/11, Công an TP.HCM nhận tin báo về chiếc vali chứa một số bộ phân cơ thể người tại nhà vệ sinh ở tầng 1 của Công ty Creata Việt Nam, ở đường số 3, khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7. Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện thêm 3 túi nylon chứa các bộ phận cơ thể người trong nhà vệ sinh ở tầng 3.
Nhà chức trách xác định nghi phạm gây án là Jeong In Cheol, còn nạn nhân là Han Tong Duk. Sau khi gây án, Jeong In Cheol đã rời khỏi hiện trường bằng ô tô hiệu KIA màu đen.
Chiều 28/11, cảnh sát đã bắt giữ Jeong In Cheol khi nghi phạm đang lẩn trốn tại căn hộ ở chung cư Masteri Thảo Điền.
Theo Tri thức trực tuyến
Nguồn: https://zingnews.vn/nghi-pham-giet-nguoi-bo-xac-vao-vali-co-bi-dan-do-ve-han-quoc-post1157785.html