Giá vàng thế giới tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong chiều 16/9 do đồng USD yếu và kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh trong tuần này.
Giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.588,29 USD/ounce vào lúc gần 1 giờ chiều (giờ Việt Nam) sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.589,23 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,2% lên 2.615,80 USD/ounce.
Các nhà kinh doanh cho biết khối lượng giao dịch thấp do các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ Tết Trung Thu.
Đồng USD giảm đã khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ loại tiền tệ khác. Giá vàng tăng cao nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất.
Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành của Allegiance Gold cho rằng, sức hấp dẫn của vàng đang tăng lên khi kỳ vọng về việc giảm lãi suất lớn dần. Ông cũng cho rằng, thay vì mạnh tay cắt giảm lãi suất, Fed có thể sẽ hành động từ từ. Thị trường đang định giá 55% khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ giảm 25 điểm cơ bản và 45% khả năng lãi suất sẽ giảm 50 điểm cơ bản trong vài ngày tới.
Giá vàng có thể sẽ còn tăng tiếp
Theo các chuyên gia, với diễn biến hiện nay, giá vàng có thể sẽ còn tăng tiếp. Nếu đồng USD tiếp tục giảm, giá vàng có thể đạt 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay. Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer của KCM Trade cho biết, triển vọng Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tuần này đã khiến giá vàng và đồng USD chuyển động ngược chiều với nhau.
Marc Chandler, CEO Bannockburn Global Forex nói có những đồn đoán về việc Fed giảm 50 điểm cơ bản. "Vàng đang đạt mức cao kỷ lục mới, dường như được hỗ trợ bởi khả năng hạ lãi suất và USD", ông cho biết. Chandler nói thêm rằng vàng trong vùng khám phá giá mới và sức kháng cự không đáng kể. "Về mặt tâm lý, mức 2600 USD là hấp dẫn", ông nói thêm.
Mark Leibovit, chuyên gia của VR Metals/Resource Letter, dự kiến vàng sẽ đạt đỉnh vào khoảng thời gian diễn ra cuộc họp của Fed. Tương tự, Darin Newsom, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Barchart cho rằng kim loại quý còn tăng giá khi tiền đầu tư tiếp tục đổ vào đến phiên cuối tuần qua.
Tuy nhiên, một số thận trọng hơn. Daniel Pavilonis, chuyên gia môi giới hàng hóa cao cấp tại RJO Futures cho rằng giá sẽ chững lại một chút vì "đã hơi quá đà". Theo ông, vàng sẽ giảm lúc Fed ra quyết định về lãi suất.
Pavilonis cho rằng kịch bản hoàn hảo là Fed giảm 25 điểm cơ bản, vì mức cao hơn có thể gây ra suy đoán về khả năng kinh tế Mỹ giảm phát. "Tôi nghĩ cắt giảm nửa điểm phần trăm là điều khá lo ngại lúc này. Chúng ta đang đối mặt với một số vấn đề kinh tế lớn và vàng giao dịch ở mức 2.600 USD là cao", ông bình luận.
Ngoài quyết định về lãi suất của Fed, một số diễn biến khác trong tuần cũng có thể tác động đến kim loại quý, gồm các công bố về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản vào 19/9.
Về dài hạn, giới phân tích cho rằng nhiều yếu tố tác động tới giá vàng. Theo Pavilonis, yếu tố quan trọng khác thúc đẩy kim loại quý tăng gần đây là cuộc bầu cử tại Mỹ và khả năng xảy ra bất ổn chính trị. "Tôi nghĩ động lực lớn nhất thúc đẩy giá vàng tăng mạnh là địa chính trị", ông cho biết.