Măng tươi có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Vì vậy, người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn được măng tươi.
Măng tươi là loại thực phẩm có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon và được nhiều người ưa thích như canh măng, măng hầm chân giò, măng nấu vịt…
Giá trị dinh dưỡng của măng tươi cũng tương tự như rau, thành phần chứa đủ các chất glucid, vitamin, muối khoáng, protid. Nhưng măng chứa nhiều chất xơ hơn rau và khi măng càng già thì tỷ lệ chất xơ càng cao, cứng và khó tiêu hơn. Măng khô được chế biến bằng cách phơi khô măng tươi cho bớt nước nên chứa tỷ lệ các chất dinh dưỡng cũng cao hơn.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều nhà khoa học tại trường Đại học Karachi (Pakistan) đã chỉ ra rằng, măng tươi có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Vì vậy, ngườibệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn được măng tươi.
Chất xơ trong thực phẩm có khả năng làm giảm sự hấp thu đường, kiểm soát đường huyết hiệu quả. Do chứa hàm lượng chất xơ cao (4.5%) nên tác dụng này của măng được thể hiện rất rõ ràng, đặc biệt là sau bữa ăn có kèm măng.
Việc sử dụng măng tươi thường xuyên có công dụng làm giảm lượng glucose trong máu một cách đáng kể. Chất xơ trong măng với hàm lượng cao giúp tiết chế sự hấp thu đường. Vì vậy, chỉ số đường huyết luôn kiểm soát ở mức ổn định. Không chỉ với người bệnh, ăn măng cũng giúp phòng tránh nguy cơ mắc tiểu đường đối với người khỏe mạnh.
Bệnh nhân tiểu đường rất dễ tăng cân do họ luôn thấy đói và ăn nhiều lần mỗi ngày. Trong măng có hàm lượng chất béo thấp, ít calo giúp cải thiện tình trạng thừa chất, béo phì. Hàm lượng chất cơ trong măng tươi ở mức cao cũng giúp tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ người bệnh tiểu đường chống lại các cơn thèm ăn.
Măng là thực phẩm giàu chất xơ, làm giảm Triglycerid và LDL-Cholesterol, tăng HDL-Cholesterol, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch nguy hiểm.
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường là làm suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh. Măng tươi cung cấp rất nhiều loại vitamin giúp nâng cao đề kháng, hạn chế tình trạng viêm nhiễm. Chất chống oxy ở thực phẩm này còn có công dụng loại bỏ các gốc tự do, góp phần ngăn ngừa ung thư.
Các chuyên gia khuyến cáo đối với những bệnh nhân đang đau dạ dày hoặc đang uống thuốc điều trị dạ dày không nên ăn măng do hàm lượng acid cyanhydric chứa trong măng là chất gây hại tới dạ dày.
Bệnh nhân bị bệnh gút cần cẩn trọng với chế độ ăn uống làm tăng lượng acid uric trong máu. Măng làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Vì thế, bệnh nhân bị gút cần tránh ăn loại thực phẩm này.
Chế độ ăn uống đối với người suy thận do tiểu đường hoặc người bị bệnh thận mãn tính nên hạn chế thực phẩm giàu kali. Mà măng là loại thực phẩm giàu kali nên bệnh nhân bị bệnh thận nên tránh.
Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt trong quý đầu được khuyến cáo nên hạn chế ăn măng. Trong giai đoạn những tháng đầu thai kỳ, thai phụ chưa thích nghi được với sự thay đổi của cơ thể và thường bị ốm nghén nhiều nên thường ăn ít hơn bình thường. Khi ăn măng, mẹ bầu hấp thu nhiều chất xơ dẫn đến no lâu, đầy hơi. Ngoài ra, nếu măng không được chế biến đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc, gây nhiều ảnh hưởng tới thai phụ và thai nhi.
Măng chứa thành phần acid cyanhydric, làm giảm pH dạ dày, có thể gây viêm loét dạ dày. Do đó, nên ăn măng kèm thức ăn để giảm độ acid, đồng thời tăng hiệu quả của chất xơ, giúp hấp thu dinh dưỡng tốt.
Người bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa, đồng thời ăn nhiều măng có thể gây khó tiêu, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Để duy trì lượng đường trong máu, bệnh nhân cần có chế độ ăn nghiêm ngặt. Vì vậy, khi ăn măng, cần tính toán lại lượng calo cũng như các chất dinh dưỡng khác cần nạp cho cơ thể để đảm bảo lượng đường trong máu không tăng cao.
Một tuần chỉ nên ăn 2-3 bữa măng, mỗi bữa cách nhau 1-2 ngày và kết hợp với các món khác để thay đổi khẩu vị.