Thời gian qua, nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online dịp cuối năm để kiếm thêm thu nhập, đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Với "mồi nhử" đưa ra rất hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20% tiền hoa hồng, các đối tượng sẽ dẫn dắt nạn nhân chuyển tiền nhập đơn hàng. Những đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ rút được tiền ra. Nhưng khi những đơn hàng lên đến tiền triệu, các đối tượng sẽ thông báo tài khoản lỗi, không cho rút tiền. Trường hợp cộng tác viên muốn rút tiền ra phải nạp thêm tiền cho các đối tượng. Đến khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ khóa tài khoản và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Điển hình như ngày 11/12/2024, Cộng an huyện Đan Phượng tiếp nhận tin trình báo của chị T (sinh năm 2001; trú tại huyện Đan Phượng) về việc chị bị lừa khi làm cộng tác viên online trên app. Tổng số tiền chị T bị lừa là gần 200 triệu đồng.
Tương tự như chị T, ngày 16/12/2024, anh H (trú tại quận Cầu Giấy) cũng bị lừa hơn 300 triệu đồng với thủ đoạn làm cộng tác viên hưởng hoa hồng.
Trước tình hình nêu trên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp, thông qua nhiều nguồn khác nhau, để kiểm chứng tính chính xác.
Các trường hợp quảng cáo làm cộng tác viên được hưởng hoa hồng, lãi suất cao rất có thể là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên online, các đối tượng còn thực hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh cơ quan công an gọi điện, yêu cầu người dân truy cập đường link để bổ sung thông tin căn cước công dân.
Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện, tự xưng là cán bộ công an, cảnh sát khu vực, yêu cầu người dân truy cập đường link hoặc tải ứng dụng trên điện thoại để làm căn cước hoặc chỉnh sửa, cập nhật thông tin căn cước công dân trực tuyến.
Ngay sau khi truy cập đường link hoặc cài đặt phần mềm, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Đơn cử như vào ngày 9/12/2024, anh T (sinh năm 1983, trú tại quận Hà Đông) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự nhận là cán bộ Công an quận, hướng dẫn anh bổ sung dấu vân tay trong Căn cước công dân. Đối tượng gửi cho anh T một đường link để đăng nhập, khai báo thông tin và yêu cầu anh T thanh toán 12.000 đồng phí chuyển hồ sơ về nhà.
Do tin tưởng, anh đã quét mã QR do đối tượng gửi và thực hiện 3 lần quét khuôn mặt mình vào các giao dịch. Sau khi thực hiện xong, anh T nhận được thông báo từ tài khoản Ngân hàng của mình bị trừ hơn 1,2 tỷ đồng. Phát hiện mình bị lừa, anh T đã đến Công an quận Hà Đông trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên; tuyệt đối không truy cập vào các đường link hoặc cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.
Nếu truy cập vào các đường link hoặc cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.