Theo các chuyên gia, nếu lạm dụng giác hơi hoặc thực hiện giác hơi sai cách có thể gây hại cho người dùng. Bên cạnh đó, một số người được khuyến cáo không nên sử dụng phương pháp này.
Vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 đã cứu chữa thành công một trường hợp đột quỵ nguy kịch, nguyên nhân xuất phát từ việc điều trị giác hơi không an toàn tại nhà.
Theo đó, bệnh nhân N.V.S (35 tuổi, ở TP.HCM) tiền sử khỏe mạnh, được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng ý thức lơ mơ, mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt hoàn toàn nửa người phải.
Được biết, bệnh nhân có thói quen nhờ người chị ruột làm giác hơi tại nhà mỗi khi đau lưng, đau vai gáy. Buổi chiều trước hôm bị đột quỵ, bệnh nhân có thực hiện giác hơi, dấu tích dụng cụ giác hơi vẫn còn in hằn trên da vùng cổ bên trái của bệnh nhân khi nhập viện.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình báo động đột quỵ, khẩn trương tiến hành các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Chẩn đoán được thiết lập: Đột quỵ nhồi máu não bán cầu trái giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong trái và động mạch não giữa trái bởi huyết khối.
Các bác sĩ đã truyền thuốc ly giải huyết khối (thuốc tiêu sợi huyết) qua đường tĩnh mạch, song song đó chuyển bệnh nhân lên phòng can thiệp mạch khảo sát và xử lý sang thương theo đường động mạch. Sau gần 1 giờ đồng hồ nỗ lực, các mạch máu bị tổn thương được khơi thông và sửa chữa, não được tái tưới máu.
TS.BS Tạ Vương Khoa, Trưởng ê-kíp can thiệp mạch, Đơn vị can thiệp thần kinh, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đây là một trường hợp đột quỵ rất nặng và phức tạp, thuộc dạng ca lâm sàng hiếm gặp trên thế giới. Khi vào viện, tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian cứu chữa người bệnh.
May mắn cho người bệnh là thủ thuật đã tiến hành thành công, não bộ kịp thời được tái tưới máu và bảo tồn phần lớn chức năng. Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được chăn sóc và điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện.
Theo ThS.BS Phan Huy Quyết, phụ trách Đơn vị Y dược cổ truyền, Trung tâm Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, giác hơi là dùng hơi nóng hoặc bơm hút chân không tạo thành một áp suất âm trong ống (bầu) giác, làm ống giác hút chặt vào da chỗ giác để loại bỏ tà khí, sơ thông kinh mạch, hoạt huyết khứ ứ, chỉ thống, phục hồi cân bằng âm dương.
Khi giác hơi, người bệnh sẽ được nằm hoặc ngồi dựa theo vị trí cần thực hiện giác hơi sao cho quá trình thực hiện được diễn ra dễ dàng và hiệu quả. Sau đó cốc giác hơi sẽ được người thực hiện hơ nóng bằng ngọn lửa từ bông, vải có thấm cồn.
Tiếp theo cốc sẽ được đặt lên da người bệnh một cách nhanh chóng, ngay khi miệng cốc được đặt khít lên bề mặt da sẽ tạo ra áp suất âm trong cốc và hút lấy da người bệnh. Cuối cũng cốc sẽ được người thực hiện lấy ra bằng kỹ thuật an toàn mà không làm tổn thương da. Các thao tác được lặp lại nhiều lần tại vị trí được trị liệu.
Cũng theo ThS.BS Phan Huy Quyết, người bệnh được chỉ định thực hiện giác hơi trong các trường hợp sau:
Cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn: Giác hơi có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng như đau rát họng, đau ngực, khó thở và tăng khả năng thông thoáng đường hô hấp.
Đau nhức xương khớp: Giác hơi có thể hỗ trợ giảm đau và sưng do việc kích thích tuần hoàn máu, không chỉ vậy giác hơi còn có thể giúp cải thiện sự linh hoạt và giảm căng cơ.
Đau – viêm dạ dày: Giác hơi có thể giảm đau, viêm trong dạ dày, giảm cảm giác khó chịu, ợ hơi, ợ chua, nôn do bệnh dạ dày.
Cảm – ho kéo dài: Giác hơi có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng sức đề kháng, làm giảm kích thích đường hô hấp, giảm ho giúp người bệnh dễ chịu trong quá trình điều trị.
Theo các chuyên gia, mặc dù cơ chế hoạt động của giác hơi khá đơn giản nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ bỏng nhiệt. Nguyên nhân là do giác hơi sử dụng cồn, lửa và những vật dụng dễ bắt lửa nên khả năng bị bỏng rất cao.
Bên cạnh đó, nếu lạm dụng giác hơi hoặc thực hiện sai nguyên tắc cũng có thể gây hại cho người dùng. Như trường hợp nam bệnh nhân bị đột quỵ trên là ví dụ điển hình.
Theo TS.BS Tạ Vương Khoa, nguyên lý của liệu pháp giác hơi là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc chuyên dụng gắn trên da để sinh lực hút, lực hút có thể rất mạnh tùy theo kỹ năng hoặc mong muốn của người điều trị và người được điều trị, vì vậy được khuyến cáo tránh đặt trên những vùng cơ thể có da và cơ mỏng, mạch máu đi nông để tránh nguy cơ gây sang chấn mạch máu.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân bị đột quỵ trên, khuyến cáo về an toàn trị liệu nêu trên đã không được tuân thủ, hậu quả nghiêm trọng đối với mạch máu đã xảy ra.
Ngoài ra, một số trường hợp được khuyến cáo không nên thực hiện giác hơi để tránh gây hại cho sức khỏe như: Người đang có tổn thương da trên vùng giác hơi; người bệnh sốt cao hoặc co giật; bệnh nhân rối loạn đông máu, đang bị xuất huyết, đang sử dụng thuốc chống đông máu; bệnh nhân phù toàn thân; bệnh nhân ung thư di căn; bệnh nhân tiền sử có huyết khối tĩnh mạch sâu; bệnh nhân có lớp da mỏng do tuổi tác hoặc sử dụng corticoid; trẻ dưới 4 tuổi…
Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thực hiện giác hơi tại các cơ sở uy tín và được thực hiện bởi các bác sĩ y sĩ, lương y, kỹ thuật viên, điều dưỡng được đào tạo về y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Không nên tự giác hơi tại nhà, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Lưu ý khi thực hiện phương pháp giác hơi:
- Người bệnh mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
- Hạn chế đeo đồ trang sức
- Không ăn quá no hoặc để quá đói.
- Sau khi giác hơi nên nghỉ ngơi, uống nước ấm
- Không nên tắm gội ngay sau khi giác hơi mà cần đợi từ 6-8 tiếng để lỗ chân lông se lại.