Anh Đinh Trọng Hoàng (44 tuổi, ở Hà Khẩu, Hạ Long, Quảng Ninh) ra đi sau cơn đau đầu vì phình mạch máu não đã hồi sinh 4 sinh mạng khác.
Hơn một tháng sau sự ra đi của anh Đinh Trọng Hoàng (44 tuổi, ở Hà Khẩu, Hạ Long, Quảng Ninh), gia đình vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau, người mẹ già của anh đã ngã quỵ và nằm viện suốt từ ngày anh mất. Tuy nhiên, tâm nguyện hiến tạng của anh đã được toại nguyện. Điều đó phần nào khiến gia đình được an ủi khi nhớ về anh.
Dấu hiệu từ cơn đau đầu
Chị Đinh Thị Thu Hoài - chị gái anh Hoàng - kể khoảng 22h ngày 28/6, anh Hoàng về nhà sau ca trực tại nơi làm việc. Đó cũng là ngày anh lấy lương nhưng nét mặt rất mệt, khó chịu vì bị đau đầu. Cơn đau báo hiệu tình trạng phình mạch não mà người đàn ông này không hay biết.
Sáng hôm sau, chị Hoài không thấy em trai chở mẹ sang nhà như mọi hôm nên chị giục mẹ gọi anh Hoàng dậy. Vừa đến cơ quan, chị được mẹ thông báo anh Hoàng đã rơi vào tình trạng tê liệt, vệ sinh không tự chủ.
Ngay lập tức, chị Hoài gọi điện cho một người quen đến đốt ngải, chữa bệnh với ý nghĩ em trai mình bị tai biến. Tuy nhiên, tình trạng mỗi lúc một nguy kịch. Anh Hoàng được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, trong tình trạng mắt mở nhưng hoàn toàn vô thức, chân tay tê liệt. Bệnh viện nhận định anh bị phình động mạch não, chuyển gấp lên Bạch viện Bạch Mai để phẫu thuật.
Lúc khỏe mạnh, anh hay tâm sự với em trai: “Nếu một ngày anh có mệnh hệ gì, mọi người hãy hiến tạng của anh để cứu những người khác. Hiến được bao nhiêu thì cho hết bấy nhiêu”. Tâm nguyện của anh được nhắc lại khi 3 chị em túc trực chăm sóc anh trong viện.
Thạc sĩ Phạm Thị Đào, tư vấn viên Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay trung tâm nhận được nguyện vọng của gia đình ngày 29/6.
“Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiến tạng không phải mục đích ban đầu, chúng tôi muốn tìm thêm một cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tiếp, đồng thời được đánh giá tình trạng tiềm năng chết não ban đầu. Sau đó, hồi đồng đánh giá tình trạng chết não cũng được thành lập. Sau 3 lần đánh giá cách nhau ít nhất 6 tiếng, bệnh nhân được chính thức xác định chết não, hết cơ hội”, thạc sĩ Đào kể.
Chị gái anh Hoàng tâm sự: “Tôi gọi điện nói với mẹ về ý định hiến tạng của Hoàng. Bà đã ngất vì biết con không qua khỏi, nhưng bà đồng ý ký vào đơn hiến tạng của Hoàng".
Theo lời chị Hoài, anh Hoàng có vợ và 2 con. Thời điểm anh mất, hai vợ chồng đang ly thân. Vợ anh cũng không có ý kiến gì về việc hiến tặng tạng của chồng mình.
Ca hiến đa tạng từ người cho mang nhóm máu AB
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết thông thường các ca hiến tạng và ghép tạng được thực hiện cho bệnh nhân ngay tại viện. Trường hợp bệnh nhân Hoàng được chuyển sang từ Bệnh viện Bạch Mai. Đặc biệt, người hiến mang nhóm máu AB nên chỉ người cùng nhóm máu mới có thể nhận tạng.
Ngày 30/6, ê-kíp hơn 100 y, bác sĩ đã chạy đua với thời gian để tiến hành lấy, ghép đa tạng từ nguồn tạng hiến của người đàn ông này bao gồm tim, gan, 2 thận.
Nguồn tạng này đã cứu sống 4 người. Trong đó, lá gan được ghép cho một bệnh nhân nam 19 tuổi bị xơ gan lâu năm do nhiễm đồng. Hai bệnh nhân được nhận thận. Bênh nhân 61 tuổi bị suy tim ở Bệnh viện Chợ rẫy được ghép tim.
Sau ca ghép đa tạng, đến nay 3 bệnh nhân ghép gan, thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được ra viện. Bệnh nhân nhận tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang ổn định dần sức khỏe. Bệnh viện cũng lưu trữ được 10 gân tại Ngân hàng mô.
“Bệnh nhân này giác mạc có chút vấn đề nên chúng tôi không tiến hành lấy. Phổi của bệnh nhân cũng không được lấy vì nhóm máu hiếm, thời điểm đó, không có bệnh nhân nhận phù hợp”, PGS Nghĩa nói.
Tại Việt Nam, ghép tạng đã trở thành phẫu thuật thường quy, không phải chuyện xa vời. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang nỗ lực tăng số lượng người hiến tạng từ nguồn người cho chết não để cứu sống nhiều bệnh nhân hơn.
(Theo Tri thức trực tuyến)