Người đàn ông 58 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ sốt cao, nhập viện cấp cứu sau khi ăn món lòng lợn khoái khẩu

03/07/2024 14:12

Về bệnh nhân ở Phú Thọ bị viêm màng não do liên cầu lợn, các bác sĩ đã nghĩ đến tình huống người bệnh ăn phải thịt lợn, lòng lợn… có chứa liên cầu khuẩn nhưng chưa chế biến kỹ.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, mới đây, các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân V.H.K sinh năm 1966 ở Đoan Hùng, Phú Thọ bị viêm màng não do liên cầu lợn (Steptococcus Suis).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn. Người bệnh có nổi ban xuất huyết lấm tấm dưới da, tiếp xúc chậm, giảm thính lực (trước đó người bệnh có thính lực bình thường). Được biết, khoảng 10 ngày trước khi bị sốt, người bệnh có ăn lòng lợn.

Người đàn ông 58 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ sốt cao, nhập viện cấp cứu sau khi ăn món lòng lợn khoái khẩu - Ảnh 2.
Người bệnh K. lúc mới nhập viện. Ảnh: BVCC

Nhận thấy người bệnh có dấu hiệu viêm màng não, bác sĩ của Khoa Bệnh nhiệt đới đã chỉ định chọc dịch não tủy cho người bệnh làm xét nghiệm cấy máu và cấy dịch não tủy. Kết quả cho thấy người bệnh dương tính với liên cầu lợn (Steptococcus Suis); dịch não tủy có 350 tế bào; Protein 1,017; Glucose 0,97.

Người bệnh được xác định bị viêm màng não do liên cầu lợn (Steptococcus Suis) và được điều trị theo kháng sinh đồ. Sau 21 ngày điều trị, người bệnh đã khỏi, sức khỏe ổn định và được ra viện.

Với trường hợp người bệnh K, các bác sĩ đã nghĩ đến tình huống người bệnh ăn phải thịt lợn, lòng lợn… có chứa liên cầu khuẩn nhưng chế biến chưa đảm bảo yêu cầu (chưa được nấu chín hoặc dùng chung dụng cụ thái đồ sống và chín…).

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chọn thực phẩm tươi sống, không nhiễm bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ăn tiết canh, các loại thịt tái, sống. Khi chế biến cần đảm bảo nấu chín, sử dụng riêng các dụng cụ chế biến thực phẩm sống – chín như dao, thớt, kéo, bát, đĩa… Khi bảo quản thực phẩm cũng cần chú ý để riêng thực phẩm sống và chín để tránh nhiễm khuẩn chéo.

Sau khi giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn sống phải vệ sinh tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Không tiếp xúc với lợn ốm, lợn bệnh để tránh những ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nhiễm khuẩn liên cầu lợn là gì?

Liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococcus suis, là một loại cầu khuẩn gram dương, có hình hạt đậu. Vi khuẩn này là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn). Liên cầu khuẩn lợn cư trú ở đường hô hấp trên (xoang mũi, hạch hạnh nhân), tuy nhiên, chúng cũng có thể cư trú ở đường sinh dục và đường tiêu hóa của lợn.

Liên cầu khuẩn lợn xuất hiện chủ yếu ở lợn nhà nhưng đôi khi vẫn tìm thấy ở lợn rừng, ngựa, chó, mèo, và chim. Ngoài ra, vi khuẩn này còn tồn tại ở trong rác, phân, nước. Liên cầu khuẩn lợn có 2 loại, loại I gây dịch bệnh lẻ tẻ ở những đàn lợn nhỏ đang bú sữa; loại II gây bệnh ở lợn mọi lứa tuổi, và có thể lây nhiễm cho người.

Người đàn ông 58 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ sốt cao, nhập viện cấp cứu sau khi ăn món lòng lợn khoái khẩu - Ảnh 3.
Ảnh minh họa

Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn có lây sang người không?

Liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh và lợn lành nhưng mang mầm mống bệnh. Lây qua giết mổ, chế biến và sử dụng thịt lợn bệnh không chế biến kỹ. Vi khuẩn này sẽ lây sang người qua những vết thương hở trên da. Do vậy, nhiễm liên cầu khuẩn lợn không chỉ gặp ở người chăn nuôi mà người giết mổ, người bán thịt, người nội trợ, người chế biến thịt lợn hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.

Hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm khuẩn liên cầu lợn và cũng chưa có bằng chứng vi khuẩn này có thể lây truyền từ người sang người. Ngoài lây truyền qua tiếp xúc vết thương, liên cầu khuẩn lợn còn lây qua giọt bắn đường hô hấp và xâm nhập qua đường tiêu hóa sau khi ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín.

Cách phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn 

Để phòng ngừa liên cầu khuẩn lợn lây sang người, cần chủ động tránh xa nguồn bệnh lây nhiễm, vệ sinh cá nhân, cũng như môi trường sống xung quanh sạch sẽ:

- Rửa tay kỹ khi tiếp xúc với lợn nuôi hoặc thịt lợn

-Không mua thịt có màu sắc bất thường. Không ăn thịt lợn bị bệnh, thịt tái, đặc biệt là tiết canh, nem chua, nem chao trong thời gian có dịch, cần chế biến kỹ (trên 70 độ C).

- Những người bị vết thương hở phải đeo bảo hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

- Vệ sinh dụng cụ chế biến thịt lợn sạch sẽ, cần sử dụng riêng dụng cụ chế biến thịt chín và thịt sống.

- Ở những hộ chăn nuôi khi lợn ốm chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn, tiêu hủy. Chuồng trại cần phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn, hoặc báo ngay cho chính quyền địa phương để hướng điều trị xử lý triệt để.

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-58-tuoi-o-phu-tho-bat-ngo-sot-cao-nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-an-mon-long-lon-khoai-khau-172240703093311879.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-58-tuoi-o-phu-tho-bat-ngo-sot-cao-nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-an-mon-long-lon-khoai-khau-172240703093311879.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người đàn ông 58 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ sốt cao, nhập viện cấp cứu sau khi ăn món lòng lợn khoái khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO