Nghĩ "uống thuốc Tây không tốt cho sức khỏe" nên ông bỏ thuốc điều trị bệnh tiểu đường và cũng không tái khám cho đến khi phải nhập viện gấp để chạy thận...
ĐSPL đưa tin, mới đây, bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường (ở Trung Quốc) đã chia sẻ về một trường hợp bệnh nhân nam có tiền sử bệnh tiểu đường phải chạy thận suốt đời mà ông tiếp nhận điều trị.
Bệnh nhân tên Hoàng Tranh (60 tuổi) được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2 cách đây 10 năm. Tuy nhiên, do công việc bận rộn và bệnh nhân cho rằng "uống thuốc Tây không tốt cho sức khỏe" nên ông thường bỏ thuốc, không điều trị dứt điểm. Ông Hoàng cũng không theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên và cũng không tái khám.
Khoảng 6 tháng trước, ông Hoàng bắt đầu bị phù chân, nổi các đốm đen ở cẳng chân nhưng do tình trạng này không gây đau đớn nên ông không mấy bận tâm. Gần đây, khi tình trạng phù chân ngày càng nghiêm trọng, kèm theo cơ thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường như nhìn mờ, chóng mặt, ông Hoàng mới đến bệnh viện để thăm khám.
Kết quả khám và xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cho thấy hàm lượng protein trong nước tiểu (protein niệu) cao hơn mức cho phép, chỉ số độ lọc cầu thận (GFR) giảm xuống thấp dưới 15. Bác sĩ chẩn đoán ông Hoàng bị suy thận do biến chứng tiểu đường, cần phải chạy thận suốt đời. Ngoài ra, ông Hoàng cũng bị tăng huyết áp, mắc bệnh võng mạc, bệnh thần kinh ngoại biên do biến chứng của tiểu đường.
Bác sĩ cho biết, sở dĩ ông Hoàng bị suy thận nặng như trên là do ôngkhông chú trọng điều trị bệnh tiểu đường từ sớm và không đi khám ngay khi cơ thể các dấu hiệu bất thường.
Một trong những biến chứng của tiểu đường là ảnh hưởng tới thận, gây tổn thương thận trong đó có suy thận. Biến chứng lên thận có thể xuất hiện ngay tại thời điểm người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hoặc có thể sau cả chục năm mắc bệnh.
Thận có nhiều chức năng, trong đó chức năng chính của thận là lọc các chất độc hại ra khỏi cơ thể và biến chúng thành nước tiểu. Thận còn có chức năng bài tiết nước tiểu. Để làm được điều này, trong thận có rất nhiều mạch máu nhỏ, giúp lọc chất thải trong khi vẫn giữ lại các phân tử hữu ích khác.
Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát, thận phải làm việc nhiều hơn bình thường. Lâu dần, các "bộ lọc" bị hỏng và protein thoát vào nước tiểu gây protein niệu.
Theo các chuyên gia nội tiết, ở người đái tháo đường, đường huyết tăng cao kéo dài làm các mao mạch ở cầu thận bị tổn thương khiến cơ quan này phải hoạt động quá mức. Sau một thời gian, các lỗ lọc trở nên to hơn làm protein bị lọt ra ngoài và ảnh hưởng đến chức năng thận.
Nếu không được điều trị kịp thời, thận dần xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng (suy thận) khiến người bệnh buộc phải điều trị bằng cách chạy thận hoặc ghép thận. Suy thận giai đoạn cuối còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
- Người bệnh tiểu đường nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên, trong đó chú trọng đến kiểm soát đường huyết, huyết áp và cholesterol...
- Kiểm soát chế độ ăn uống. Một chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật và hạn chế lượng protein là rất quan trọng. Người bệnh tiểu đường cần lựa chọn thực phẩm một cách khôn ngoan để đảm bảo bệnh nhân không bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt theo dõi lượng muối ăn của bạn.
- Bỏ thuốc lá bởi hút thuốc không tốt cho sức khỏe, nhất là với người bệnh tiểu đường.
- Tập thể dục thường xuyên, giảm stress là cách làm cho cuộc sống của bạn thư giãn.
- Người bệnh tiểu đường nên tuân thủ chỉ định khám và dùng thuốc của bác sĩ nhằm giảm thiểu những biến chứng của bệnh, nhất là biến chứng lên thận.