Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đa số người dân trong diện phải di dời để thực hiện dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đều mong muốn sớm có thông tin về mức đền bù, tái định cư... cũng như nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền để ổn định công việc và cuộc sống sau khi nhường đất để thực hiện dự án.
Theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm sẽ được cải tạo thành quảng trường - công viên hiện đại, phục vụ cộng đồng, nâng tầm giá trị văn hóa và cảnh quan đô thị.
Tổng diện tích dự kiến nghiên cứu thực hiện quy hoạch khoảng 2,14ha, kéo dài từ phố Lý Thái Tổ đến Trần Nguyên Hãn, sát mép hồ Hoàn Kiếm. Để thực hiện dự án này, thành phố dự kiến di dời 47 chủ sử dụng đất, bao gồm 35 hộ dân và 12 tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Phố Đinh Tiên Hoàng với vị trí đắc địa, sát hồ Hoàn Kiếm, là nơi kinh doanh của rất nhiều hộ gia đình.
Theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, tại phố Đinh Tiên Hoàng, với vị trí đắc địa, sát hồ Hoàn Kiếm, không khí buôn bán ở đây vẫn diễn ra tấp nập, dù người dân đã bắt đầu cảm nhận rõ sự "thay đổi" đang đến gần.
Nằm trong khu vực phải di dời để thực hiện dự án, ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ – con ngõ nhỏ dù chỉ rộng chưa đầy 2m nhưng hiện là nơi sinh sống và kinh doanh của gần 20 hộ dân. Trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là quán phở Thìn Bờ Hồ, thương hiệu quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước.
Quán phở Thìn Bờ Hồ với tuổi đời gần 70 năm cũng nằm trong diện phải di dời.
Trao đổi với PV, anh Bùi Chí Thành (36 tuổi, phường Lý Thái Tổ) người tiếp quản đời thứ ba của quán phở cho biết, bản thân anh và gia đình dù tiếc nuối sau gần 70 năm gắn bó nhưng rất ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước và sẵn sàng giao đất để dự án được triển khai.
"Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đã được đo đạc diện tích, kiểm tra giấy tờ pháp lý. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết thông tin chính xác mức đền bù và phương án tái định cư cụ thể ra sao. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng để đảm bảo cuộc sống và công việc kinh doanh sau này", anh Thành nói.
Liên quan đến việc sau khi giải phóng mặt bằng, quán phở Thìn Bờ Hồ "sẽ về đâu”, anh Thành cho biết: "Gia đình hiện vẫn đang xem xét, tính toán vì còn đang đợi kết quả làm việc và thống nhất phương án đền bù từ các cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, khi có quyết định chính thức, quán sẽ có thông tin cụ thể, cũng như sẽ dán thêm thông báo bên ngoài để thực khách và người dân được biết”.
Không chỉ riêng gia đình anh Thành, ngõ 61 còn là nơi ở của hàng chục hộ gia đình khác. Càng đi sâu vào bên trong, diện tích sinh hoạt càng trở nên chật hẹp. Nhiều gia đình phải chung sống trong không gian hạn chế, xuống cấp...
Sau hàng chục năm sinh sống và gắn bó, khi nghe tin gia đình sắp phải di dời vì nằm trong khu vực thực hiện dự án, bà Nguyễn Lý Tâm (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) không khỏi lo lắng, băn khoăn vì đã quen với nếp sống ở đây.
“Dù nhà đã cũ, xuống cấp nhưng nhiều năm qua, gia đình tôi cũng đã quen với cuộc sống tại đây, thu nhập từ quán nước nhỏ đủ để trang trải cuộc sống. Hiện cũng chưa rõ khi nào sẽ phải rời đi, tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì. Vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng có mức hỗ trợ, đền bù xứng đáng", bà Tâm nói.
Không chỉ là nơi sinh sống, buôn bán, những khu phố này còn gắn bó với ký ức, nếp sống của nhiều thế hệ. Vì vậy, đa phần mọi người khi được hỏi đều mong muốn việc giải phóng mặt bằng cần sự tính toán kỹ lưỡng và đồng hành từ chính quyền để vừa phục vụ lợi ích công cộng, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, hiện tại quận Hoàn Kiếm đã thống kê được 23 hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; 2 hộ dân có hợp đồng thuê nhà với Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội; 2 hộ dân nằm trong sổ quản lý nhưng không có hợp đồng thuê nhà.
Quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục rà soát, thu thập hồ sơ để cập nhật, bổ sung thông tin.các hộ dân đủ điều kiện sẽ được đền bù với mức cao nhất theo quy định, và được tái định cư bằng đất ở tại huyện Đông Anh nếu đủ điều kiện bồi thường bằng đất.
Được biết, UBND TP Hà Nội cũng đã giao UBND huyện Đông Anh bố trí quỹ đất khoảng 100ha để phục vụ công tác tái định cư cho dự án này và các dự án trọng điểm khác của thành phố.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng dự kiến di dời nhiều trụ sở, cơ quan sát hồ Hoàn Kiếm như: Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chi cục Dân số Hà Nội, Hội Người mù Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Khách sạn Điện lực, Trụ sở tiếp công dân thành phố, Điện lực Hoàn Kiếm, trụ sở Văn phòng Kho bạc Nhà nước.
Cùng với việc nghiên cứu quy hoạch, cải tạo khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm thành khu quảng trường - công viên đặc biệt, Hà Nội cũng lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực bắc hồ Hoàn Kiếm, nam phố cổ, chủ đạo là quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Xem thêm video được quan tâm: