Để "dành lại lòng đường, vỉa hè", nhiều người dân sinh sống tại khu vực Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) đặt hàng loạt biển cấm đỗ xe trước cửa nhà, dưới lòng đường...
Thời gian gần đây, hình ảnh một khu phố nằm tại trung tâm Thủ đô với "chi chít" những biển cấm dừng, cấm đỗ được dán trước cửa, đặt dưới lòng đường hay thậm trí là treo trên cây... đang thu hút sự quan tâm của dư luận, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thắc mắc.
Ngày 18/3, theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội tại khu Đầm Trấu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), con đường chỉ rộng chừng 5m thế nhưng lại bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ của rất nhiều phương tiện, ngay cạnh đó là các loại biển báo cấm dừng, đỗ xe được người dân đặt trước cửa nhà.
Đa số các biển cánh báo đều được làm bằng giấy, bìa cứng... với nội dung như: "Nhà có xe ra vào thường xuyên, không đỗ ôtô trước cửa"; "Khu vực công ty, cấm đỗ ôtô"; "Không đỗ xe trước cửa nhà, nếu đỗ sẽ bị khóa bánh"...
Hàng loạt biển cấm dừng, đỗ được dán trên tường, treo trên cây.
Ông Trần Văn Hào (61 tuổi), cư dân sinh sống tại đây cho biết, sở dĩ việc các biển cấm xuất hiện "chi chít" như vậy là bởi khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng đỗ xe bừa bãi, thiếu ý thức của một số lái xe, làm ảnh hưởng đến công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân.
"Sáng dậy mở cửa đã thấy xe ô tô của ai đó chắn trước cửa nhà thì thử hỏi có tức không chứ, nhiều khi ô tô đỗ cả nửa ngày, không để lại thông tin để liên hệ, không thể buôn bán kinh doanh gì được. Thời gian đầu, các hộ gia đình chỉ dán những tờ giấy hoặc treo các tấm biển cấm đỗ xe ở trước cửa nhà, thế nhưng, tình trạng này vẫn tiếp diễn, cho nên nhiều người đã làm những biển cấm đỗ xe và đặt cả dưới lòng đường", ông Hào nói.
Nhiều xe ô tô bất chấp đỗ dù đã có biển cấm.
Cũng theo ông Hào, khu vực này vốn đông dân cư, gần như nhà nào cũng có xe ô tô, chưa kể đến các công ty, cơ sở kinh doanh... nhưng lại thiếu chỗ đỗ xe vì vậy tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi dừng, đỗ vẫn tiếp diễn.
Hiện nay, theo Điều 37 Luật giao thông đường bộ quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Nếu như biển cấm được lắp đặt theo đúng quy định tại Điều 37 Luật giao thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ tuân thủ, trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.
Tại những khu vực không có biển cấm dừng, đỗ thì không có quy định cụ thể nào về việc đỗ xe hoặc dừng xe trước cửa nhà người khác phải yêu cầu xin phép chủ nhà. Các quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật Giao thông Đường bộ cũng chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn vị trí và điều kiện đỗ xe, dừng xe sao cho an toàn và không gây cản trở giao thông, không có quy định cụ thể nào yêu cầu phải xin phép khi dừng xe hoặc đỗ xe trước nhà người khác.
Như vậy, các cá nhân, cơ quan, tổ chức không được phép tự ý đặt các biển báo giao thông, trong đó có các biển báo cấm dừng, đỗ xe. Những biển báo cấm dừng, đỗ xe do người dân tự làm, viết và lắp đặt đều không có ý nghĩa về mặt pháp lý.
Không những vậy, với cách làm này, nhiều chủ nhà đã vô tình biến vỉa hè, lòng đường trước nhà thành “của riêng”, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Việc pháp luật chưa có quy định rõ ràng khiến mâu thuẫn giữa chủ nhà và chủ xe về việc dừng đỗ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, nhiều trường hợp vì không tìm được "tiếng nói chung" đã dẫn đến những hành động quá khích, thậm trí vi phạm pháp luật đáng tiếc.
Xem thêm video được quan tâm: