Người mẹ đạp gãy xương đùi của con trai sẽ bị xử lý thế nào?

26/09/2022 18:34

PLBĐ - Thông tin về vụ việc người mẹ đạp gãy chân con ở Bắc Giang đang khiến dư luận xôn xao trong những ngày qua. Nhiều luật sư đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vụ việc.

Công an huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ một bé trai bị mẹ đạp gãy xương đùi. Theo cơ quan chức năng, vào chiều 22/9, công an huyện phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải nội dung, hình ảnh và video về vụ việc trên. Qua xác minh, người phụ nữ trong video là B.T.N. (SN 1993, ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) còn bé trai là T.T.V. (3 tuổi, con trai của N.).

Tại trụ sở điều tra N. tường trình, vụ việc xảy ra vào khoảng 19h ngày 20/6. Lúc đó, N. thấy con trai mình làm thất lạc đồ đạc trong nhà, quấy khóc nên cô ta không kiềm chế được cảm xúc, đã đẩy và dẫm, đạp vào người V. khiến bé trai bị gãy xương đùi. Người mẹ này cũng cho biết, bản thân có biểu hiện bị trầm cảm sau sinh, hiện đang phải nuôi 2 con nhỏ, chồng đi xuất khẩu lao động.

Về tình trạng sức khỏe của cháu bé, lãnh đạo công an huyện cho biết nạn nhân đã bình phục, có thể đi học bình thường.

Lời khai của người mẹ đạp gãy xương đùi con trai - Ảnh 2.

Bé trai bị gãy xương đùi. (Ảnh: X.N.)

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết nếu người mẹ này vì nóng giận mà đạp gãy xương đùi còn mình thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội "Cố ý gây thương tích".

Luật sư Cường cho biết thêm, với hình ảnh chụp X-quang cho thấy cháu bé đã bị gãy xương đùi và clip thể hiện người phụ nữ đã đạp lên chân cháu bé. Với thông tin đăng tải công khai trên mạng xã hội như vậy thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ thông tin sự việc, làm rõ nguyên nhân diễn biến, hậu quả và khả năng nhận thức điều khiển hành vi của người đã gây ra thương tích cho cháu bé.

Trước tiên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định thương tích để xác định tỷ lệ thương tích của nạn nhân. Theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể trong giám định pháp y thì theo mục 8. và 9. của phụ lục Thông tư thì tỷ lệ thương tích sẽ dao động vào khoảng từ 21 % đến 51%, thông thường sẽ khoảng trên 40% tùy thuộc vào vị trí gãy và khả năng điều trị.

Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hậu quả cháu bé bị gãy xương là do sự biến hay hành vi, do cháu bé tự ngã hay là bị bạo hành. Thông thường thì không cha mẹ nào muốn gây ra đau đớn, thương tích cho con mình, trừ trường hợp cha mẹ quá nóng giận, côn đồ, cục súc hoặc do yếu tố bệnh lý trầm cảm làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi. Theo quy định của pháp luật thì nếu có hành vi gây thương tích cho người khác thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi có lỗi hay không, lỗi ở đây là ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi, người thực hiện hành vi có nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm hay không và sẽ làm rõ là lỗi cố ý hay lỗi vô ý (nếu có).

Luật sư Cường cho hay, trong trường hợp có căn cứ cho thấy cháu bé đã bị mẹ hoặc người khác đạp vào người dẫn đến thương tích, tại thời điểm thực hiện hành vi gây ra thực tích cho cháu bé người này có đầy đủ nhận thức, có năng lực điều khiển hành vi của mình thì có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Cý gây thương tích" theo quy định tại khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Với thương tích từ 31 % trở lên tới 61% thì người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 4 năm đến 7 năm bất kể người gây ra thương tích có là thân thích của cháu bé hay không. Hành vi gây thương tích cho người mà mình có trách nhiệm phải chăm sóc, giáo dục còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Cũng theo dõi vụ việc, chia sẻ với Zing.vn, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội) đánh giá đây là vụ việc có tính chất và mức độ nghiêm trọng, gây nhiều bất bình trong dư luận xã hội. Những hành vi bạo hành trẻ em, đặc biệt với con ruột, là không thể chấp nhận và cần bị lên án.

Theo thông tin hiện có, người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cần tiến hành xác minh, làm rõ hành vi của người mẹ cũng như căn cứ xác định bệnh của người mẹ có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hay không.

Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, yếu tố quan trọng đầu tiên cần xác định là việc chị N. có thực sự bị trầm cảm không. Nếu có, điều này có dẫn tới việc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi ở thời điểm thực hiện hành động hay không. Nếu kết quả giám định cho thấy ở thời điểm đó, chị N. bị trầm cảm nghiêm trọng dẫn tới mất khả năng điều khiển hành vi, chị sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu xác định chị không bị bệnh hoặc bị bệnh nhưng không dẫn tới mất năng lực điều khiển hành vi, chị vẫn sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Thanh Hải (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người mẹ đạp gãy xương đùi của con trai sẽ bị xử lý thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO